Mấy năm trở lại đây, cư dân ở các làng quanh biển Thạch Kim, luôn phải sống trong tình trạng hứng chịu bão cát về mùa hè, bão lụt về mùa mưa. Anh Nguyễn Hải Hưng ở thôn Long Hải cho biết: “Cát biển theo những con sóng cứ bồi lắng, lâu dần dồn lại thành cồn cát. Mùa hè thì chỉ cần một cơn gió nồm thổi nhẹ cũng đủ để hốt bao nhiêu cát bụi bay vào nhà. Mùa đông thì lại lo bão gió, triều cường, như nhà chúng tôi và mấy nhà bên cạnh, sống mà chỉ lo không biết sóng biển cuốn đi lúc nào” .Theo vợ chồng anh Hưng, chỉ cần gió mạnh cấp 6, kết hợp với triều cường thì sóng biển đã vỗ qua kè. Lúc ấy, nước biển đã có thể vào đến tận nhà anh chị và những gia đình khác sống gần kè.
Trong trí nhớ của ngư dân nơi đây, cơn bão số 9 năm 1989 đổ bộ vào vùng biển Thạch Kim gần như đã xóa sạch 2 thôn Xuân Phượng và Long Hải. Với cường độ mạnh cấp 12, cơn bão đã cuốn trôi hơn 200 hộ gia đình. Năm 1994, được một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tài trợ, xã Thạch Kim đã xây dựng được kè biển dài 1 km. Bên cạnh đó, địa phương còn trồng được rừng phi lao chắn cát, chắn bão.
Sau năm 2000, nhiều cơn bão liên tục hoành hành trên vùng biển vốn tiềm ẩn tai họa này. Mỗi cơn bão qua đi, diện tích bờ biển bị xói lở lại nhân thêm gấp bội. Hướng về khu đất trống xưa kia là rừng phi lao chắn bão cho làng xóm, chủ tịch UBND xã Hà Minh Tân cho biết: “Cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) vừa qua mới chỉ đi ngang và không trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng cũng đã gây nên nhiều hậu quả cho người dân Thạch Kim, đặc biệt gió lớn đã làm sạt lở một đoạn kè hơn 20m. Chợ ở gần biển cũng bị gió bão bốc mái và làm sập tường. Ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng”. Cũng theo chủ tịch Hà Minh Tân, gần 10 năm trở lại đây, bờ biển Thạch Kim bị xâm thực mạnh, nước biển lấn vào đất liền hơn 150 m tính theo chiều ngang của bãi biển. Phần mũi gò đã xâm thực vào cảng cá. UBND xã đã nhiều lần tiến hành khôi phục rừng phi lao chắn cát trước đây nhưng do nước mặn xâm thực nên phi lao trồng lên rồi lại chết.
Nằm ở ven biển Cửa Sót, cả xã Thạch Kim có 11000 nhân khẩu với trên 2000 hộ nhưng phải sống chen chúc trên diện tích đất tự nhiên là 260,3 ha, trong đó đất ở chiếm 32 ha và không có đất nông nghiệp. Tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng đã mang đến cho người dân Thạch Kim thêm những khó khăn. Qũy đất eo hẹp và đang có nguy cơ thu hẹp khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở đây vì thế mà cũng trở nên vô cùng khó khăn. Theo chủ tịch xã Hà Minh Tân cho biết: “ở đây mỗi tấc đất còn quý hơn tấc vàng nên phong trào hiến đất làm đường để xây dựng nông thôn mới không thể áp dụng được. Giao thông nông thôn nhỏ, hẹp, nhà sát nhà, đi lại rất bất tiện. Không có quỹ đất, xã cũng không thể mở rộng thêm các tiêu chí văn hóa, quy hoạch sân văn hóa xã lại phải lấy từ quỹ đất của nghĩa trang”.
Đến trung tâm xã Thạch Kim, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được hệ lụy của việc không có quỹ đất, khi mà đường giao thông xã quá nhỏ hẹp, hai chiếc xe ngược chiều đi tránh nhau còn khó thì nói gì đến việc mở rộng để xây dựng lại hệ thống cống thoát nước ngầm. Ô nhiễm đất, ô nhiễm nước với người dân nơi đây là điều không tránh khỏi. Khó khăn nhiều như vậy nên hầu như, con em Thạch Kim lớn lên đều không muốn gắn mình với biển và bám biển mưu sinh. Học xong phổ thông, nhiều em chọn con đường học tập thành tài để thoát ly hoặc đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài như: Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản… Các gia đình trẻ, mới cưới đều phải đi tìm mua đất ở các xã khác để định cư, chủ yếu là tại xã Thạch Bằng và xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ở thôn Phú Mậu (xã Thạch Bằng) có đến hơn 60 hộ là người ở Thạch Kim sang, thôn Phú Xuân và thôn Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng) có khoảng 70 hộ và ở xã Thạch Châu cũng đã có khoảng 50 hộ dân xã Thạch Kim mua đất lên đây sinh sống.
Người dân Thạch Kim đang cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của chính quyền các cấp để họ có thể an tâm bám biển mưu sinh và góp phần xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phan Trâm
Báo Hà Tĩnh