Nước lên thì người lên theo.
Trận lũ lớn vừa đi qua, người dân vừa nhận quà cứu trợ chưa ráo tay thì nhận ngay thông tin một trận lũ khác ập tới. Thế nhưng, với người dân nhiều nơi ở miền Trung nói chung và bà con Hương Khê (Hà Tĩnh) nói riêng thì chuyện lũ chồng lũ có lẽ chẳng thể khiến họ nao núng bởi cái cách mà họ ứng phó với thiên tai.
Khi những cơn mưa đổ xuống như trút nước xuất hiện cách đây 2-3 ngày, những hộ gia đình ở vùng hạ du ngay lập tức có phương án chống lũ trên cả hai phương diện là tinh thần và vật chất.
Họ tự động viên nhau rằng “lũ có vào cũng chẳng sợ đói vì gạo cứu trợ còn nhiều, mì tôm cứu trợ còn thoải mái” nên cứ bình tĩnh mà đón lũ. Hay có bà khoe với hàng xóm “nhà tôi có bịch cá khô rồi, lũ vào thì chưng cá khô ăn cơm thôi”. Thế là, mưa thì mặc mưa, đã có mì, đã có cá khô sẵn sàng tiếp sức chống lũ.
Bà con kê sẵn đồ đạc lên cao phòng khi nước dâng trong đêm không kịp trở tay. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình có vẻ ung dung hơn vì họ vẫn “giữ nguyên hiện trường” khi đồ đạc gác trên trần nhà trong đợt lũ vừa qua vẫn chưa kịp dọn xuống. Có người nói “chờ hết mùa lũ đưa xuống luôn thể kẻo mất công bưng lên bê xuống, thêm mệt”. Cũng đúng!
Thêm nữa, ở góc nhà đã có sẵn chiếc “nôốc” (từ địa phương, tức là cái thuyền nhỏ), nước lên thì cả nhà cùng lên theo con nước. Đèn pin cũng đã sạc đầy pin để làm phương tiện theo dõi nước trong đêm. Vậy là tinh thần đã ổn, vật chất đã an toàn, còn sợ gì lũ.
Với những hộ ngập lụt thì vậy. Còn những gia đình ở nơi cao ráo thì ngôi nhà của họ lại trở thành điểm “dừng chân lý tưởng” cho các hộ bị ngập trú ngụ. Cụ thể, chiếc sân thường ngày rộng rãi hôm đó sẽ trở nên chật chội hơn bởi các loại đồ đạc, phương tiện đi lại như xe đạp, xe máy của các hộ nguy cơ ngập cao gửi nhờ.
Đồ đạc được kê cao |
“Tao thà chết bệnh chứ không muốn chết lũ”
Cũng trong dịp này, các thành viên của gia đình không bị ngập sẽ có dịp thể hiện lòng tốt bằng việc nấu cơm cho các hộ không may bị lũ chạm tới. Tại đây, bao chuyện làng chuyện nước, chuyện lũ xưa, chuyện lũ nay được đưa ra tranh luận làm xua tan nỗi lo hiện tại.
Rồi ở xóm nọ, mấy hôm trước có cụ bà bị bệnh (chắc do dính nước lũ), con cháu phải đưa bà ra trạm y tế xã để điều trị. Cứ sáng sáng, anh con trai đưa bà ra trạm truyền thuốc, chiều chiều lại đưa bà về nhà chăm sóc. Ấy vậy mà hôm qua thấy mưa to, cụ nằng nặc đòi ở nhà, không chịu tới trạm y tế nữa. Hỏi ra mới hay cụ sợ lúc đi ra trạm y tế thì không sao nhưng lúc về, nước dâng cao nhỡ không về được. Cụ bảo “tao thà chết bệnh chứ không muốn chết lũ”. Nghe vậy, con cháu chẳng dám thuyết phục cụ nữa. Và dù bệnh, đêm đêm, cứ hai tiếng một lần, cụ lại thấp thỏm cầm đèn đứng trong nhà rọi ra xa xem “con nước” đã vào chưa.
Nhưng trận lũ thứ hai liên tiếp này xảy ra có vẻ không khiến nhiều người ở “rốn lũ” quá hoang mang bởi nhu yếu phẩm mà các đoàn cứu trợ vừa gửi tặng vẫn còn đủ phục vụ mọi người trong một thời gian. Tuy vậy, trong buổi chiều ngồi ngóng mưa, đâu đó vẫn có người còn thủ thỉ với nhau rằng “không biết đợt lũ này có được cứu trợ nữa không”. Rõ khổ, cứ lo chuyện hôm nay đã nào.
Tất nhiên, giữa vô vàn câu chuyện lũ thì chuyện liên quan đến cứu trợ vẫn được nhiều người nhắc đến nhất. Đã có một số ít người rút kinh nghiệm từ đợt lũ trước vì nước vào nhà nhưng không được cứu trợ nên hôm qua, họ đã sạc đầy pin điện thoại để sẵn sàng chụp lại khoảnh khắc nước vào nhà làm “bằng chứng” sau lũ. Âu cũng là bảo vệ quyền lợi chính đáng thôi mà!
Nãy giờ là nói chuyện trong nhà, bây giờ là chuyện ngoài vườn khi lũ về.
Đợt lũ vừa qua, nhiều hộ gia đình thậm chí đã dắt bò vào nhà vì chuồng trại ngập lớn (may là nhà dựng ở trên cao). Lũ đi qua, dọn nhà chẳng khác nào dọn chuồng bò nên khiến nhiều người ám ảnh vô cùng. Cuối cùng, họ phải dùng đến nước hoa để khử mùi.
Lần này, để an toàn hơn, họ đưa bò đi gửi ở các chuồng trại nằm ở địa điểm cao hơn bởi lý do thà mất công đi lại mà giữ được của cải gia đình còn hơn nhìn của ra đi mà không làm được gì. Họ còn thủ sẵn mấy chiếc chậu nhựa để nếu nước lên cao, họ sẽ “hốt” lũ gà vào trong chậu để cứu chúng. Dù sao thì “cẩn tắc vô áy náy”.
Cũng đợt lũ ấy, nhiều hộ trồng cam đã rớt nước mắt nhìn bao nhiêu công sức chăm bón cả năm trời đành đổ ra sông ra biển khi hàng tấn cam trị giá mấy chục triệu đồng rụng đầy gốc do ngập úng. Trước khi trận lũ này ập đến, họ chỉ còn bán đi những trái cam sót lại trên cây để có thêm đồng tiền trang trải cho cuộc sống sau lũ.
Và giờ, khi những cơn mưa vẫn đang trút xuống không ngừng, lòng dân lại thấp thỏm nỗi lo!
Tuệ Minh