Dân tộc Chứt được bộ đội biên phòng Hà Tĩnh phát hiện trong lúc đi tuần tra biên giới vào năm 1991, họ sau đó có họ chung là họ Hồ. Từ khi được đưa về sinh sống ở bản Rào Tre tới nay đã 20 năm, tộc người này vẫn còn duy trì nếp sống nguyên sơ, chưa ý thức tự giác lao động và tích lũy, phần lớn lương thực, thực phẩm đều được nhà nước hỗ trợ.
Cứ khoảng 19-20 tháng chạp hàng năm, hàng trăm cân gạo, thịt lợn được các chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh mang từ dưới xuôi lên phát cho 37 hộ gia đình dân tộc Chứt ở bản Rào Tre để đón Tết Nguyên đán. Ngoài ra, ở bản Rào Tre còn có một trạm biên phòng của Đồn Biên phòng Bản Giàng (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cắm chốt tại đây nhằm chăm lo cho đồng bào dân tộc ít người này.
Để mọi người trong bản có một cái Tết chu đáo, các chiến sĩ đã cùng dân bản tổ chức gói bánh chưng. Vừa tự tay gói bánh, thiếu tá Phạm Tuấn Anh (ngồi giữa) vừa hướng dẫn cho một số đồng bào Chứt. Theo vị thiếu tá, những việc làm này giúp tình cảm quân dân gắn bó mật thiết và hiểu nhau hơn.
Ông Hồ Pắc (50 tuổi, người dân tộc Chứt) cho biết, nhiều năm nay luôn tham gia gói bánh cùng bộ đội biên phòng.
...
Sau khi khâu gói bánh hoàn thành, lửa được nổi lên để nấu bánh.
Một số em nhỏ trêu đùa với các chiến sĩ. Hồ Kiểng (9 tuổi, con anh Hồ Tiến Hóa) vui cười cho biết rất thích những ngày Tết, bởi được nhiều quà, nhiều bánh và được ăn nhiều món ngon hơn những ngày bình thường.
Ngoài bánh chưng, bộ đội cũng tổ chức phát gạo, thịt cho 37 hộ dân. Đợt này, mỗi hộ được nhận một bao gạo nếp 5 kg, một cân thịt lợn, một số tiền mặt.
Các chiến sĩ đến từng hộ để hướng dẫn họ nấu nướng và tuyên truyền nếp sống mới, tránh hôn nhân cận huyết làm suy giảm giống nòi. Bản Rào Tre hiện có 3 cặp vợ chồng là con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác. Trong các gia đình này, có 3 cháu nhỏ bị dị tật và thiểu năng trí tuệ.
Để lấy vợ, lấy chồng xa, thanh niên bản Rào Tre phải sang Quảng Bình. Nhưng do đường sá xa xôi, dân tộc lại có tục bảo vệ gái làng nên hễ ra ngoài, họ bị dân làng khác đuổi đánh. Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh (thứ hai từ phải sang) cho biết, điều ông trăn trở nhất là làm sao có thể góp phần giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết ở tộc người này.