Đây sẽ là CP ngân hàng có mức giá cao nhất trên thị trường chứng khoán và là ngân hàng có mức vốn hóa cao thứ 2 trên thị trường. Vậy nhà đầu tư cần lưu ý gì khi có ý định đầu tư vào Techcombank?
128.000 đồng/CP - định giá quá cao?
Câu hỏi mà nhà đầu tư đang sở hữu CP nói chung, CP các ngân hàng nói riêng đặt ra là cơ sở nào để HĐQT Techcombank tính ra mức giá tham chiếu 128.000 đồng/CP? Trong khi chưa đầy 1 năm trước, Ngân hàng HSBC - cổ đông lớn của Techcombank đã bán lại 172,35 triệu cổ phần TCB với giá giao dịch bình quân 23.445 đồng/CP.
Theo bản cáo bạch niêm yết lần đầu, giá tham chiếu của TCB được tính toán theo phương pháp so sánh giá cổ phần trên (i) giá trị lợi nhuận trên mỗi cổ phần (phương pháp P/E), (ii) giá trị sổ sách mỗi cổ phần (phương pháp P/B) và theo giá trị sổ sách mỗi cổ phần vào thời điểm 31/12/2017.
Với phương pháp P/E và P/B, Techcombank đã lựa chọn CP của 6 ngân hàng BIDV (BID), VietinBank (CTG), Vietcombank (VCB), MB (MBB), VPBank (VPB), ACB (ACB) để tham chiếu với thị giá được xác định vào ngày 9/4/2018.
Tính theo phương pháp P/E, giá trị 1 CP TCB đạt 178.309 đồng; còn tính theo phương pháp P/B, kết quả tương ứng đạt 90.303 đồng; trong khi giá trị sổ sách của CP TCB là 32.251 đồng. Với trọng số áp dụng lần lượt 60% : 30% : 10%, kết quả định giá CP TCB tính theo trọng số là 137.301 đồng.
Ngoài ra, ngày 7/5/2018, Techcombank đã bán CP quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bình quân là 128.000 đồng/CP. Do đó, Techcombank đề xuất mức giá niêm yết để nộp hồ sơ đăng ký niêm yết CP tại HOSE ở mức 128.000 đồng/CP.
Techcombank tỏ ra khôn ngoan chọn mốc thời gian so sánh các CP là ngày 9/4/2018. Đây cũng là thời điểm chỉ số VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm và các CP ngân hàng mà Techcombank sử dụng để so sánh giá tham chiếu đều tăng quá nóng đẩy chỉ số P/E của các ngân hàng này lên cao. Cho đến nay các CP này đã giảm tới hơn 25%.
Cần lưu ý rằng, khi Techcombank niêm yết, các nhà đầu tư ngoại bỏ ra 128.000 đồng để mua 1 CP quỹ của Techcombank mới đây đều có quyền tự do chuyển nhượng và không cần công bố thông tin trước giao dịch (do không nắm giữ trên 5% vốn điều lệ). Chắc chắn những nhà đầu tư này sẽ không muốn CP TCB dưới 128.000 đồng/CP sau khi lên sàn.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 200%
10 ngày sau khi niêm yết, Techcombank sẽ họp bất thường để thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn gấp 3 lần mức hiện tại (từ 11,7 nghìn tỷ đồng lên gần 35 nghìn tỷ đồng). Theo kế hoạch, số tiền này sẽ được lấy từ cả 3 nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ dự trữ bổ sung và thặng dư vốn. Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu tại thời điểm chốt danh sách cổ đông hưởng quyền của Techcombank. Tỷ lệ thực hiện là 1:2, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận thêm 2 CP mới. Như vậy, tính theo mức giá tham chiếu 128.000 đồng/CP, sau khi phát hành tăng vốn, giá điều chỉnh của TCB sẽ còn ở mức quanh 42.000 đồng/CP, còn thu nhập trên một cổ phần (EPS) năm 2017 sẽ điều chỉnh về mức 1.843 đồng.
Với số lượng phát hành lớn trong ngắn hạn, Techcombank sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng EPS khi tốc độ tăng của lợi nhuận chưa thể lập tức đuổi kịp tốc độ tăng vốn. Trong khi khối lượng CP tăng thêm 200% thì lợi nhuận của Ngân hàng chỉ tăng thêm 24%, trong trường hợp Techcombank hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018 (lợi nhuận trước thuế 10.000 tỷ đồng).
Áp lực lên giá CP của Techcombank còn hiện hữu khi một lượng lớn CP quỹ (ít nhất là 14,5 triệu CP) mua với giá rẻ có thể được tung ra thị trường bất cứ lúc nào, bởi khối lượng này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tác giả: Thế Anh
Nguồn tin: Báo Đấu thầu