Việc đánh bắt này không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây ô nhiễm khu vực tầng đáy biển.
Ngư dân kêu cứu
Vùng biển xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) thời điểm này những năm trước tấp nập tàu thuyền ra khơi trở về đầy ắp cá tôm. Thế nhưng, gần tháng nay những chiếc thuyền nhỏ được đưa lên lật úp yên vị trên bờ. Ngư dân không mấy mặn mà với nghề bởi mỗi chuyến ra khơi không đủ bù lỗ chi phí dầu máy, thuê công nhân, một số chấp nhận bán thuyền để đi xuất khẩu lao động. “Dạo này tàu lớn dùng xung kích điện, lưới giã cào càn quét gần bờ lấy đâu ra cá, tôm mà đánh nữa”, ông Nguyễn Đức Tùng, thôn Long Hải, chia sẻ.
Bám biển mưu sinh từ nhỏ, chưa bao giờ ông Tùng lại chứng kiến tình trạng khai thác bằng hình thức tận diệt hoành hành như thế. Những chiếc lưới được ông thả gần bờ đều bị các tàu giã cào kéo trôi tuột lúc nào không hay.
Các tàu giã cào thường đi theo từng cặp chạy song song “quét” toàn bộ thủy hải sản ven bờ |
Ông Tùng bức xúc: “Tôi theo cha ra biển đánh cá từ nhỏ, cuộc sống cả gia đình đều nhờ vào nghề biển. Sau sự cố môi trường biển, tôm cá dồi dào trở lại chúng tôi chưa kịp vui mừng thì phải đối mặt với nạn khai thác tận diệt này. Năm nay, tình trạng khai thác thủy hải sản trái phép diễn ra khá rầm rộ, không chỉ tàu thuyền ngoại tỉnh mà cả trong tỉnh nữa. Họ sử dụng xung kích điện có công suất lớn, các thiết bị điện tự chế để khai thác trái phép. Cá, tôm chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển rất nhiều. Lưới chúng tôi thả gần bờ không bị “quét” sạch thì cũng rách nát hết cả. Hơn tháng nay chẳng còn lưới mà đi đánh cá nữa nên đành úp thuyền lên bờ”.
Không chỉ các ngư dân đánh bắt cá, tôm vùng lộng bị ảnh hưởng mà những người làm nghề khai thác gần bờ như nạo hến, khai thác sò, lưới rùng… cũng không còn chỗ kiếm kế sinh nhai.
Hơn 1 tháng nay, nhiều ngư dân không ra khơi bởi đi chuyến nào lỗ chuyến đó |
Theo bà Phan Thị Hòa (thôn Xuân Phượng) thì từ tháng giêng đến tháng 5 chị em làm nghề nạo hến ven bờ bắt đầu hoạt động, mỗi ngày ít cũng kiếm được vài yến hến đủ sống qua ngày. Thế nhưng, vài năm nay xuất hiện nhiều thuyền giã cào dùng máy kích lớn hoạt động ven bờ vét sạch cả những con hến, con ngao. Chị em cào cả ngày may mắn chỉ được vài cân, cuộc sống lâm cảnh khó khăn. “Chúng tôi đã gửi đơn lên chính quyền địa phương kêu cứu, mong các cấp các ngành vào cuộc xử lý để chị em tiếp tục yên tâm mưu sinh bằng nghề”, chị Hòa đề nghị.
Theo một số ngư dân, những tàu cá này có công suất lớn, đi theo từng cặp chạy song song áp sát vùng bờ khai thác. Họ dùng loại lưới lớn, mắt dày và có nhiều lớp để quét hải sản từ tầng đáy đến mặt nước nên cá to, cá nhỏ đều bị quét sạch, nguồn thủy hải sản đang độ sinh trưởng cũng không thoát được.
Trao đổi với chúng tôi, ông Điện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Thời gian gần đây, ngư dân liên tục phản ánh tình trạng các tàu khai thác thủy hải sản trong và ngoài tỉnh vào vùng biển Cửa Sót (xã Thạch Kim) dùng kích điện, nổ mìn, lưới giã cào để khai thác thủy hải sản. Hình thức khai thác tận diệt này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy hải sản ven bờ, cá chết trôi dạt vào bờ tương đối nhiều. Địa phương đã vận động, tuyên truyền ngư dân không khai thác thủy sản trái phép, đồng thời báo cáo sự việc lên cấp trên, đề nghị các cấp, các ngành vào cuộc xử lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài cho ngư dân”.
Chính quyền bất lực
Sau khi nhận được công văn của xã Thạch Kim, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc thành lập văn phòng đại diện thanh tra kiểm tra đóng tại cảng cá Cửa Sót. Đồng thời, giao Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm về lĩnh vực thủy sản. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã bắt giữ được 4 tàu sử dụng kích điện đánh bắt thủy hải sản, 4 tàu giã cào đánh bắt ở vùng sai quy định, 2 vụ mua bán sử dụng chất nổ. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nhỏ trong lượng tàu khai thác trái phép hoạt động trên địa bàn.
Theo Thượng tá Phan Văn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót thì tình trạng ngư dân dùng xung kích điện, thậm chí là máy xung điện 3 pha, lưới giã để đánh bắt ở vùng lộng ngày càng tăng. Việc khai thác trái phép khiến cho nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng.
Các vật dụng kích điện để khai thác trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ |
Thượng tá Minh chia sẻ: “Cứ vào mùa cá sinh sản là tàu giã cào các tỉnh và trong tỉnh lại tập trung vào vùng lộng của biển Hà Tĩnh để đánh bắt theo kiểu tận diệt. Những tàu này chỉ hoạt động vào ban đêm, từ khoảng 5 giờ chiều bắt đầu tràn vào đánh bắt cách bờ biển khoảng 3 hải lý. Họ cất giấu dụng cụ xung kích điện, chất nổ, chất độc ở các lèn đá, đảo đá gần bờ để khi ra khơi lấy sử dụng hoặc cất giấu dưới đáy tàu thuyền và sử dụng ngư lưới cụ đè lên để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện, họ sẵn sàng cắt lưới nhằm phi tang dụng cụ xuống biển rồi bỏ chạy. Việc truy đuổi gặp nhiều khó khăn bởi tàu của họ công suất lớn, còn tàu của mình công suất nhỏ làm sao đuổi kịp được”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Tông Thắng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho rằng: “Năm nay tình trạng khai thác thủy hải sản trái phép có chiều hướng gia tăng hơn những năm trước, nhất là các tàu lớn từ 90CV trở lên ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi và tàu thuyền trong tỉnh cũng có. Tuy nhiên, việc xử lý triệt để vấn nạn này còn nhiều khó khăn khi lực lượng kiểm ngư mỏng, phương tiện hạn chế, những ngư dân trên tàu khai thác trái phép không ngần ngại chống đối lực lượng chức năng khi bị xử lý, truy đuổi”.
Tác giả: TÂM ĐAN - THANH TÂM
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam