Kinh tế

Tất bật làng nghề làm lưỡi câu đón mùa lũ lớn năm nay

Xóm lưỡi câu Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời, tạo cơ hội cho gần 200 hộ gia đình có công ăn việc làm ổn định.

Ông Trần Thiện Tâm, tổ trưởng làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa cho biết nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa tồn tại trên 50 năm và đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống từ năm 2007. Phòng kinh tế Tp. Long Xuyên cũng quan tâm, hỗ trợ làng nghề bằng cách cho vay vốn mua sắm thiết bị và mở rộng thị trường.

Công đoạn dập ngạnh lưỡi câu

Vào những ngày này, đi ngang qua những cơ sở làm lưỡi câu Mỹ Hòa, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì trong gia đình từ em bé tới người già, đàn ông, phụ nữ đều cắm cúi bên những chiếc máy dập, máy cán chạy đều đều, hòa với tiếng búa gõ nhè nhẹ thật êm tai. Nhiều cụ già cho biết trước đây làng nghề Mỹ Hòa nhộn nhịp quanh năm suốt tháng, sản phẩm làm ra không đủ giao cho khách hàng, nhất là vào mùa nước nổi. Năm nào mực nước càng lên cao lưỡi câu càng hút hàng vì cá tôm về nhiều, bà con ngư dân đánh bắt đầy đồng.

Đáng buồn là đã qua 5 mùa nước nổi, lũ không về hoặc lũ nhỏ, cá tôm khan hiếm nên hoạt động của làng nghề bị chựng lại, không còn rộn ràng, tấp nâp như xưa, nhiều hộ chỉ sản xuất cầm chừng khiến cho cuộc sống bà con lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Tưởng đâu mùa nước nổi ở miền Tây sẽ vĩnh viễn không về nữa do biến động từ các đập ở thượng nguồn sông Mekong và thời tiết thay đổi bất thường. Thế nhưng, theo dự báo thủy văn năm nay mực nước đang lên nhanh ở quanh biển Hồ Campuchia và đầu nguồn sông Mekong khiến cho bà con ngư dân các huyện đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu vô cùng phấn khởi.

Gia đình ông Be đã ba đời làm nghề này theo kiểu cha truyền, con nối và là hộ thâm niên nhất trong xóm lưỡi câu. Bản thân ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 15 máy dập, máy mài, máy uốn lưỡi cho một số hộ gia công tại nhà. Ngoài sản xuất ra, ông còn thu mua lưỡi câu thành phẩm từ các cơ sở gia công rồi bán lại cho thương lái tại Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp, miền Trung, miền Đông Nam bộ, Campuchia... Trừ hết các chi phí ông còn lãi vài triệu đồng/ tháng, tăng 30 % so với các năm lũ không về.

Công đoạn sửa mũi lưỡi câu

Hiện nay phường Mỹ Hòa có trên 180 hộ dân làm nghề lưỡi câu với gần 800 lao động thường xuyên có mức thu nhập từ 120.000 đến 140.000 đồng/người/ ngày tùy theo công đoạn sản xuất...

Dự báo cho biết lũ năm nay sẽ về sớm và đỉnh lũ có khả năng xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu tháng 10 – 2017 mức báo động 2 - 3. Từ những thông tin trên, ngư dân và nông dân ở ĐBSCL hy vọng năm nay cá, tôm, lươn, ếch sẽ về nhiều, mọi người sẵn sàng lưới, câu để đánh bắt

Lưỡi câu của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng chất lượng sắc bén, bền, đủ kích cỡ, nhiều chủng loại gồm lưỡi câu đúc, lưỡi câu phược, lưỡi câu kiều, lưỡi câu tôm, câu rắn, câu ếch… giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đánh bắt cá trên đồng, trên sông và cả ngoài biển nên được nhiều người tín nhiệm.

Công đoạn mài lưỡi câu



Tác giả: THÀNH HIỆP

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP