Trong nước

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài

Ngày 22-4, Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến với 34 tỉnh, thành phố về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Khiếu kiện đông người diễn biến rất phức tạp

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp lên Trung ương vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước giảm 2% về số lượt người, 1,2% về số đoàn đông người, nhưng công dân đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước (gọi tắt là trụ sở tiếp dân Trung ương) tăng 28,74% số lượt người, 22,7% số vụ việc, 17,72% số đoàn đông người so với năm 2012. Quý I -2014, mặc dù số vụ việc công dân khiếu nại, tố cáo đến trụ sở tiếp dân Trung ương giảm 29,07% so với quý I-2012 nhưng số lượt người tăng 76,13%, số đoàn đông người tăng 23,36%. Có một số trường hợp công dân liên tục khiếu kiện, thực hiện hành vi quá khích, la hét, lăng mạ, thậm chí đe dọa hành hung cán bộ tại trụ sở. Có một số đoàn khiếu kiện căng biểu ngữ, tập trung trước cổng các cơ quan Trung ương nhiều ngày, đi diễu hành trên đường phố tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hoặc tụ tập trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, đòi được trực tiếp giải quyết ngay, thậm chí nhiều trường hợp bị kích động lôi kéo đến trụ sở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế làm cho tình hình thêm phức tạp. Bên cạnh những vụ việc tồn tại từ trước thì gần đây xuất hiện các vụ việc liên quan đến tôn giáo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với 37 tỉnh, thành phố về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, sáng 22-4. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn cả nước hiện đang có 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã phối hợp giải quyết 481 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,1%. Hiện chỉ còn 47 vụ chưa giải quyết xong. Trong đó, 5 vụ đã báo cáo, chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, 16 vụ Thanh tra Chính phủ đã và đang xem xét, giải quyết, 11 vụ các Bộ đang giải quyết (Bộ Tài Nguyên và Môi trường có 7 vụ, các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp mỗi bộ 1 vụ). 15 vụ UBND các tỉnh, thành phố đang giải quyết (Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh: 3 vụ; Hà Nội: 2 vụ, Khánh Hòa, Đắc Nông, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre: 1 vụ).

Trong số 481 vụ việc đã giải quyết, có 43 vụ việc công dân vẫn đến khiếu nại tại Trụ sở tiếp dân Trung ương, chiếm 9%; 53 vụ việc công dân vẫn gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ. Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài mặc dù đã được các cơ quan thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nhưng công dân vẫn không chấp nhận.

Thanh tra Chính phủ cũng dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân sẽ còn tăng và tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó tại một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng nếu không được tập trung giải quyết một cách chủ động, quyết liệt.

Tăng cường đối thoại, hạn chế cưỡng chế

Phát biểu tại hội nghị Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều vụ khiếu kiện đông người đang có xu hướng chính trị hóa, có sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động, các thế lực thù địch ở bên ngoài để cung cấp tài chính và có sự liên kết chặt chẽ trên địa bàn của nhiều tỉnh.  

Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) cung cấp thêm, các thế lực thù địch đang lợi dụng các vụ khiếu kiện đông người để kích động, vu cáo Đảng, Nhà nước. Thiếu tướng Bùi Mậu Quân cũng cho rằng, nên rà soát toàn bộ các vụ việc phức tạp, đông người để tìm hiểu tại sao không xử lý dứt điểm được, trong đó một số vụ càng xử lý càng phức tạp. Đồng chí cũng kiến nghị các bộ, ngành địa phương nên tăng cường đối thoại để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của công dân, hạn chế tối đa việc phải đưa lực lượng công an ra để cưỡng chế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh và Hà Tĩnh đã thông báo nhanh tình hình xử lý các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, đó là: Khiếu nại của các hộ tiểu thương chợ Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh và khiếu nại của công dân xã Bắc Sơn (Thạnh Hà, Hà Tĩnh) về dự án xây dựng công viên Vĩnh Hằng. Theo đó, các vụ việc này hiện đang được xử lý rốt ráo, tạm thời tình hình đã lắng dịu. Chính quyền đã tổ chức đối thoại với công dân, lắng nghe nguyện vọng của công dân.

Xung quanh việc giải quyết các khiếu kiện liên quan đến dự án công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Thạnh Hà, Hà Tĩnh), lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chỉ có 2 hộ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do thu hồi đất. Thế nhưng tỉnh mới chỉ lập dự án chứ chưa thu hồi, đền bù. Để đáp ứng kiến nghị của người dân tỉnh đã điều chỉnh lúc đầu là 38ha, nhưng hiện nay chỉ còn là 28ha. Tỉnh nhất trí cho tổ chức một đoàn gồm cả cán bộ xã và đại diện nhân dân vào tỉnh Bình Dương để tham quan mô hình công viên nghĩa trang. Sau đó, phần lớn nhân dân đã đồng tình, chỉ còn một số ít chưa đồng tình thì tỉnh sẽ tiếp tục có các biện pháp vận động, thuyết phục. Các đối tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt hoặc tự thú.

Với chợ Hải Hà (Quảng Ninh), nguyên nhân khiếu kiện là do tiểu thương chưa đồng ý về mức chênh lệch lớn giữa giá thuê ki-ốt ở chợ cũ và chợ mới. Tỉnh đã làm việc với Ban quản lý dự án, có biện pháp hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho tiểu thương. Theo lãnh đạo tỉnh, vấn đề này có thể nhiều tỉnh sẽ gặp phải do chủ trương của Chính phủ là không dùng tiền ngân sách để xây dựng chợ mà thực hiện xã hội hóa. Vì thế, phải có giải pháp để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư vào tiểu thương, sẽ tránh được những khiến kiện phát sinh.

Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhận thức nhiều của cấp ủy, chính quyền địa phương về giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân còn chưa đúng, chưa thấy được kết quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ liên quan tới an ninh, chính trị, môi trường đầu tư, hình ảnh của địa phương. Vì thế, lãnh đạo một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, chưa thực sự vào cuộc, chưa lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, thậm chí có trường hợp giải quyết sai pháp luật, định kiến với những người khiếu nại, tố cáo. Kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm nên một số vụ việc dù đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chức năng nhưng địa phương chưa thực hiện, hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo.

Về giải pháp thời gian tới, Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần phải xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng. Trước hết, chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh phải tập trung xử lý, cấp tỉnh xử lý lần 2 không được thì mới báo cáo lên Trung ương. Địa phương nào không giải quyết tốt, để người dân phải kéo ra Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khiếu kiện thì địa phương đó phải ra giải quyết, đem phương tiện đưa dân về. Song song với đó, các trụ sở tiếp công dân phải làm tốt nhiệm vụ của mình, nhất là khi Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực từ 1-7. Chính phủ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác tiếp công dân. Người đứng đầu từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Chánh thanh tra Chính phủ phải dành ít nhất mỗi tháng một ngày để tiếp công dân. Thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách, dự án phải được công khai, minh bạch.

Với các vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách về đất đai (chiếm 80%) khiếu kiện, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương sẽ xem xét theo phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân trong việc cấp sổ đỏ, đền bù.

QUỲNH DƯƠNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP