Hà Tĩnh Bình Yên

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng

Ngày 22-6, tại Hà Tĩnh, Đảng ủy BĐBP đã phối hợp với Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng. Nhân dịp này, phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



PV: Đề nghị đồng chí cho biết những nét chính về kết quả phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng giữa Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Đảng ủy BĐBP thời gian qua?


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Năm 2006, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Đảng ủy BĐBP đã ký Quy chế phối hợp thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP tỉnh vững mạnh. Qua 6 năm triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ biên phòng ngày càng đi vào chiều sâu. Việc nắm, nghiên cứu tình hình trên tuyến biên giới và bờ biển, đặc biệt là tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới ngày càng đồng bộ, kịp thời. Nhờ đó, các vụ việc xảy ra trên biên giới được giải quyết, xử lý đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


PV: Để có được kết quả đó, quá trình thực hiện Quy chế phối hợp, hai bên đã tập trung vào vấn đề gì, thưa đồng chí?


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Chúng tôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong việc quản lý, xây dựng, bảo vệ biên giới, vùng biển; đẩy mạnh phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn trật tự thôn bản; phong trào ngư dân tự quản bảo vệ tàu thuyền, bến bãi an toàn… Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt dự án tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào; duy trì thực hiện tốt các Hiệp định, Quy chế biên giới; chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với hai tỉnh Bô-ly-khăm-xay và Khăm-muộn (Lào). Xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới, bờ biển vững mạnh (thành lập 7 chi bộ, trong đó có Chi bộ bản Rào Tre; kết nạp 21 đảng viên gốc giáo, 3 đảng viên người dân tộc thiểu số).


Chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo BĐBP Hà Tĩnh triển khai thành công các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án đường tuần tra biên giới Bản Giàng – Ma Ca, Sơn Hồng – Nậm Xắc, Phú Gia – Trại Trụ, Vũ Quang lên biên giới, Hương Lâm – Hương Liên, các dự án nước sạch phục vụ bộ đội và các cụm dân cư ở khu vực biên giới. Xây dựng 176 nhà ở kiên cố tặng các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên tuyến biên giới, bờ biển.


Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Đảng ủy BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lực lượng BĐBP tỉnh. Công tác nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ trì BĐBP tỉnh đảm bảo chặt chẽ, tạo được sự thống nhất cao. Thực hiện có hiệu quả chủ trương đưa cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới, bờ biển tham gia cấp ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, góp phần xây dựng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở vững mạnh. Ngoài ra, hàng năm, tỉnh bố trí ngân sách cho BĐBP tỉnh chi hoạt động thường xuyên và xây dựng cơ bản, sửa chữa đồn, trạm biên phòng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… Đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu, kết nghĩa các đồn, trạm biên phòng, đẩy mạnh các hoạt động hướng về biên giới với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả (đến nay, 100% đồn, trạm đều có đơn vị đỡ đầu).


Có thể nói, những kết quả đạt được trong thực hiện Quy chế phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng giữa Tỉnh ủy Hà Tĩnh với Đảng ủy BĐBP thời gian qua, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng BĐBP tỉnh vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân vùng biên giới.


PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp lãnh đạo công tác biên phòng vẫn còn một số hạn chế, xin đồng chí cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế là gì?


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Đúng là thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên vẫn còn có những bất cập, hạn chế, dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác biên phòng, xây dựng lực lượng BĐBP có nơi chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về công tác biên phòng chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Ngân sách đầu tư cho công tác biên phòng của các cấp, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã biên giới, mua sắm trang thiết bị, phương tiện bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… còn khó khăn. Các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy và Đảng ủy BĐBP chưa thực sự chủ động trong chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện một số nội dung phối hợp; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa nền nếp, kịp thời; việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy chưa kịp thời, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả thấp…


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình và Trung tướng Võ Trọng Việt ký Bản ghi nhớ về nội dung, nhiệm vụ lãnh đạo giữa Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Đảng ủy BĐBP từ nay đến năm 2015.
P.V: Theo đồng chí, để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Đảng ủy BĐBP cần có những chủ trương, giải pháp gì?


Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường phối hợp với Đảng ủy BĐBP trong lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác biên phòng, nhất là nắm tình hình nội, ngoại biên, vùng biển… Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:


– Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các huyện biên giới tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác lâm sản trái phép… Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, nâng cao nhận thức về công tác biên phòng và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.


– Thứ hai, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại biên phòng, tăng cường xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, nhất là giữa Hà Tĩnh với hai tỉnh Bô-ly-khăm-xay và Khăm-muộn. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Cửa khẩu và Trạm kiểm soát Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, xuất nhập biên của người, phương tiện qua lại và hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu và khu kinh tế.


– Thứ ba, phối hợp chỉ đạo BĐBP tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, các thôn, bản khu vực biên giới, trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong sạch vững mạnh, không có tổ chức yếu kém. Đồng thời, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương phát hiện, tuyển chọn con em đồng bào các dân tộc nhập ngũ vào BĐBP, bồi dưỡng phát triển Đảng, nhất là đoàn viên, hội viên người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ cho các xã biên giới.


– Thứ tư, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội các xã biên giới, bờ biển, tạo điều kiện để BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư các dự án phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với quốc phòng – an ninh. Phát triển, nhân rộng mô hình khám chữa bệnh quân dân y kết hợp cho nhân dân vùng biên giới; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới, bờ biển.


– Thứ năm, tăng cường đầu tư ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên phòng, hàng năm bố trí ngân sách thường xuyên cho BĐBP tỉnh để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng, sửa chữa nâng cấp các đồn, trạm biên phòng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát, huấn luyện, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn và sẵn sàng chiến đấu…


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Hương Mai (Thực hiện)

Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP