Thông qua các chính sách hỗ trợ, bước đầu, các địa phương, đơn vị đã liên kết, đầu tư xây dựng chuỗi công nghệ sản xuất khép kín, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, do tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn in sâu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, sơ chế còn nhiều; tình trạng “được mùa, mất giá” còn diễn ra nên sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hàng hóa còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao.
Cũng tạo được sự phát triển đáng kể, các sản phẩm CN-TTCN (bia Sài Gòn; nước khoáng Sơn Kim; đồ gỗ Thái Yên, Lộc Yên; cơ khí Trung Lương; kẹo cu đơ…) mặc dù đã khẳng định được thương hiệu, song, thị phần tiêu thụ trên “sân nhà” chỉ chiếm một tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực sản xuất. Bia Sài Gòn chiếm khoảng 22% thị phần, các sản phẩm của Công ty CP Dược Hà Tĩnh khoảng 20%, nước khoáng Sơn Kim từ 25-30%; sản phẩm nông sản được giới thiệu và bán tại các cửa hàng, siêu thị còn thấp.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những “thua thiệt” trong quá trình cạnh tranh của các sản phẩm trên địa bàn là do các DN, đơn vị sản xuất chưa xây dựng được chiến lược phát triển quy mô lớn, theo hướng bền vững; việc áp dụng KHKT vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn thấp; thị hiếu và thói quen người tiêu dùng vẫn chuộng sản phẩm giá rẻ, dù không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng chưa được kiểm nghiệm…
Thông qua hệ thống cửa hàng Mitraco food, sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. |
Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung – Phạm Anh Tuấn, để các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Hà Tĩnh đến nhiều hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, trước hết, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các tính năng nổi trội của sản phẩm địa phương. Ngoài việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Hà Tĩnh ưu tiên dùng hàng Hà Tĩnh”, các DN cần mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác đầu tư với các DN, nhà phân phối ngoại tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng toàn quốc.
“Vừa qua, chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức 2 hội thảo, chương trình kết nối đưa hàng Việt về Hà Tĩnh và tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Hà Tĩnh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thông qua các chương trình kết nối, chúng tôi đã đặt nền móng cho việc mở rộng thị trường, ký kết hợp tác tại các thị trường lớn, nhằm đẩy mạnh việc đưa hàng Việt về Hà Tĩnh, góp phần quan trọng tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm được sản xuất tại Hà Tĩnh, tạo nên một dòng chảy 2 chiều, lưu thông hàng hóa, đem lại lợi ích cho cả DN sản xuất, người sản xuất và DN phân phối sản phẩm” – ông Tuấn cho biết thêm.
Ngoài ra, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh – Lê Ngọc Đào: “Các sản phẩm xanh, đặc sản mang màu sắc văn hóa vùng miền đang được thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Tuy nhiên, do công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm nên các sản phẩm sản xuất ở Hà Tĩnh được bày bán trong các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh khá khiêm tốn. Với mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 địa phương, chúng tôi luôn tạo điều kiện và mong muốn các DN, đơn vị sản xuất của Hà Tĩnh thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường tiêu dùng rộng lớn này”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Cảnh Nam – Chủ tịch Hội DN Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, với hơn 300 hội viên hoạt động đa ngành, nghề tại trung tâm kinh tế lớn nhất nước, Hội DN Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kết nối, phân phối các sản phẩm được sản xuất tại Hà Tĩnh nếu các nhà sản xuất địa phương đáp ứng được số lượng, chủng loại, chất lượng và nguồn cung ổn định.
Theo đại diện Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco), sau khi ứng dụng thành công các quy trình công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản, Mitraco sẽ xây dựng, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua chuỗi cửa hàng Mitraco food. Với phương thức kinh doanh hiện đại, ổn định, các mặt hàng được sản xuất và chế biến trên dây chuyền hiện đại của công ty cũng như các đặc sản “Made in Hà Tĩnh” sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, tạo mối liên hệ vững bền giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bên cạnh nỗ lực của các DN, đơn vị sản xuất, bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, đặc biệt thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã thể hiện rất rõ quyết tâm xác lập chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm hàng hóa “Made in Hà Tĩnh”.
Ngô Tuấn/ Baohatinh.vn