Lao Động - Việc Làm

Tăng lương từ 1.5.2016 Đừng để giá cả lại tăng kiểu “té nước theo mưa”

Từ 1.5.2016, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, chính thức tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%). Mức tăng này căn cứ theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 được Quốc hội thông qua tháng 11.2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng này chỉ là hình thức và không tác động nhiều đến đời sống công chức, viên chức nhưng lại trở thành gánh nặng của ngân sách và nhiều doanh nghiệp, trong khi giá cả có thể tăng kiểu “té nước theo mưa” trong thời gian tới.

hatinh

Nghịch lý lương tối thiểu vùng và lương cơ bản

Với những nỗ lực của Tổng LĐLĐVN và các bộ ngành, việc tăng lương tối thiểu vùng đã có những kết quả rõ rệt ở mức tăng trên trong khoảng 10%. Hiện lương tối thiểu 2016 vùng 1 đạt 3.500.000 đồng/tháng, lương tối thiểu vùng 2 đạt 3.100.000 đồng, vùng 3 đạt 2.700.000 đồng và vùng 4 đạt 2.400.000 đồng. Trong khi đó, lương cơ bản (còn gọi là lương tối thiểu chung) lại tăng khá ỳ ạch, thậm chí từ năm 2013 tới trước thời điểm 1.5.2016 “giậm chân tại chỗ” ở mức 1.150.000 đồng/tháng.

Nghịch lý là ở chỗ lương tối thiểu vùng 4 cũng gấp 2 lần lương cơ bản. Một con tính khác, một cử nhân ra trường nhận hệ số 2,34 nhưng nhân với lương cơ bản trước thời điểm 1.5 thì cũng chưa được 2,7 triệu đồng/tháng, kém xa lương tối thiểu vùng 1.

Tất nhiên, lương công chức, viên chức ngoài lương cứng là hệ số công việc nhân với lương cơ bản còn trợ cấp, phụ cấp. Song, với mức lương hiện tại thì đời sống công chức là rất khó khăn.

Ở một góc cạnh khác, việc tăng 5%, tương đương với 60.000 đồng/1 bậc lương được cho là không giúp cải thiện nhiều so với những công chức, viên chức. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng như vậy chỉ giúp cuộc sống viên chức, công chức cải thiện theo danh nghĩa.
Gánh nặng 11.000 tỉ đồng

Dù mức tăng không lớn và không cải thiện cơ bản mức sống của công chức, viên chức nhưng việc cố gắng tăng lương cơ bản sau 3 năm trì hoãn được cho là cố gắng lớn của Chính phủ. Để đảm bảo cho khoản tăng này, dù chỉ 60.000 đồng/1 bậc lương thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm 11.000 tỉ đồng trong năm 2016. Được biết theo kế hoạch ban đầu, Chính phủ dự tính tăng 100.000 đồng/1 bậc lương, tương đương 8%, tuy nhiên nếu tăng theo con số này thì ngân sách phải tăng chi 29.000 tỉ đồng, cộng thêm tăng cho một số đối tượng khác thì tổng tăng chi cho lương mới là 35.000 tỉ đồng, quá sức đối với ngân sách.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: “Điểm đáng chú ý là với sự chia nhỏ và tách rời tránh tăng lương giật cục và đồng loạt trong tất cả các đối tượng hưởng lương, nên nguồn tiền lương mới tăng thêm (khoảng 11.000 tỉ đồng) của kỳ tăng này đi vào tiêu dùng xã hội sẽ góp phần tăng tổng cầu và kích thích tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp bớt gánh nặng hàng tồn kho, trong khi không tạo áp lực tăng giá kiểu “té nước theo mưa”.

Bởi lẽ, với tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4.2016 ước tính đạt 279,8 nghìn tỉ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, thì lượng tiền lương mới này giả sử dùng hết cho tiêu dùng thì cũng chỉ bổ sung chưa được 0,4% tổng cầu này. Nghĩa là, với mức tăng lương mới khiêm tốn như vậy và trong khi cân đối hàng hóa đang nghiêng về thừa cung, thì chắc chắn áp lực “tăng lương – tăng giá và tăng lạm phát” sẽ không hiện hữu, gây hậu quả tăng giá hàng nặng nề và rõ rệt như quá khứ thời “giá-lương-tiền” như ngày đầu chuyển đổi.

Với tổng thu ngân sách nhà nước dự toán năm 2016 là 1.019.200 tỉ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỉ đồng và mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỉ đồng, tương đương 4,95% GDP của năm 2016, việc tăng lương cũng không gây áp lực quá nặng lên cân đối ngân sách”.

Phải giảm tình trạng “nuôi báo cô”…

Các chuyên gia tiền lương cho rằng điều chỉnh lương khiến nợ công tăng lên hoặc phải đi vay nước ngoài để cải cách tiền lương. Nhưng có một phương pháp mang tính lâu dài là tăng lương nhưng phải quyết liệt tinh giản biên chế, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức dư thừa.

Cuối năm 2015, tại phiên họp 10, Quốc hội khóa XIII thì nhiều đại biểu đã rất gay gắt về vấn đề cần tinh giản bộ máy nhằm giảm gánh nặng về lương. Theo báo cáo, hiện có gần 3 triệu cán bộ ăn lương từ ngân sách nhà nước, hằng năm ngân sách phải dành ra 35% để chi trả lương và phải cần 40.000 tỉ đồng để tăng lương cho số cán bộ công chức này. Trong khi đó, cũng đã có đại biểu QH khẳng định là có tới 30% số cán bộ công chức ngồi chơi xơi nước “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đang cần cơ chế sát hạch định kỳ để loại bỏ.

 Từ 1.5.2016, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức… (tăng 5%). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tuy nhiên việc tăng lương hiện nay có thể mang đến hệ quả khiến vị trí việc làm trong khu vực nhà nước thêm hấp dẫn và “đắt đỏ”, làm tăng sức kéo, nhất là nhóm người có năng lực và trách nhiệm thấp, khiến tăng chi thường xuyên và chậm quá trình giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định: “Bởi vậy, tăng lương cần đi đôi với kiên quyết xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiện toàn tổ chức, làm rõ yêu cầu và tiêu chí nhiệm vụ của từng vị trí việc làm; áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, CNVC nhà nước, giảm thiểu tình trạng “nuôi báo cô” những biên chế thừa bằng tiền thuế người dân”.

ANH KHOA – HỒNG QUÂN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP