Lao Động - Việc Làm

Tăng giờ làm thêm gấp 3 lần: Làm chính đã nhiều, sức đâu làm thêm!

Tại Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm của người lao động theo 2 phương án. Theo đó, phương án 1 là số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ trong một năm.

Đề xuất tăng giờ làm thêm gấp ba lần so với quy định hiện hành đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối hơn đồng thuận.

Và phương án 2 là số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Đưa ra lý do đề xuất tăng giờ làm thêm theo 2 phương án như trong dự thảo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, thực tiễn thực hiện quy định này cho thấy có nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm. Vì vậy, mục đích của đề xuất tăng giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, việc tăng giờ làm thêm nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giờ làm thêm quá nhiều sẽ khiến người lao động mệt mỏi, hiệu quả không cao mà dễ xảy ra tai nạn lao động.

Tuy nhiên, đề xuất này đang có nhiều ý kiến khác nhau, có doanh nghiệp không tán đồng việc tăng giờ làm thêm, ngược lại cũng có doanh nghiệp rất ủng hộ.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty May Minh Trí cho rằng, mức làm thêm giờ hiện tại là hơi eo hẹp nên phương án đề xuất tăng giờ làm thêm là hợp lý và sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Đối với doanh nghiệp may, giờ làm thêm khi nào cũng cần, tuy nhiên phải cân đối với người lao động. Công nhân nhiều lúc muốn làm thêm để tăng thu nhập nhưng luật lại không cho phép. Nhưng không phải lúc nào cũng làm thêm, có những lúc bất khả kháng như do đơn hàng gấp hay do mất điện, do nguyên phụ liệu chậm… nên bắt buộc phải làm thêm, chứ thực tế năng suất của thời gian làm thêm thường không đạt bằng năng suất trong giờ bởi thời điểm làm thêm giờ người lao động cũng đã uể oải và mệt mỏi”, ông Hùng cho hay.

Theo chia sẻ của vị Tổng giám đốc này, với hơn 2.000 công nhân tại công ty thì hầu như ai cũng có nhu cầu làm thêm và chi phí làm thêm mà công ty phải trả thường chiếm khoảng từ 10-15% quỹ lương.

Thế nhưng, khác với ông Hùng, bà Vũ Thanh Thủy, Trưởng phòng định mức Công ty TNHH Youngone Nam Định lại không đồng tình với các phương án về tăng giờ làm thêm tại dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra.

Bà Thủy cho rằng, nếu làm thêm tới 600 giờ/năm thì quá mệt mỏi, mặc dù người lao động có mặt nhưng hiệu quả công việc không được tốt.

“Với 8.000 công nhân hiện đang có mức thu nhập trung bình mỗi tháng 5 triệu đồng tại Youngone thì trước đây công ty cũng mất một số lao động chuyển sang công ty khác vì họ có nhu cầu làm thêm giờ nhiều hơn. Nhưng khi chuyển sang công ty khác thì số công nhân này không chịu được lại xin quay về Youngone để làm việc. Vì thế, thời gian làm thêm giờ như quy định hiện tại là hợp lý, không cần tăng thêm”, bà Thủy nói.

Cũng không đồng tình với phương án tăng giờ làm thêm, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thẳng thắn nói: “Việc tăng giờ làm thêm phải xem xét lại, hiện đang quy định 200 giờ/năm với doanh nghiệp bình thường, còn đối với doanh nghiệp đặc biệt thì quy định 300 giờ/năm. Nhiều doanh nghiệp thấy giới hạn đó là thấp thì có thể xem xét, nhưng xem xét để nâng lên mức độ vừa phải chứ không phải như hai phương án ở dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra, tăng tới 600 giờ/năm thì chúng tôi không đồng ý”.

Theo ông Quảng, làm thêm giờ cần đặt trong bối cảnh liên quan đến thời gian làm việc chính thức. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước khác quy định làm thêm giờ cao, còn Việt Nam thì thấp. Tuy nhiên, giờ làm việc chính thức của các nước thường thấp, 40 giờ/tuần, còn ở Việt Nam hiện đang là 48 giờ/tuần, như vậy thời gian làm việc chính thức của Việt Nam đã cao rồi, giờ lại tăng giờ làm thêm lên nhiều quá thì tổng thời gian làm việc quá nhiều.

Mặt khác, sức khỏe của người lao động có chịu đựng được không bởi khi người lao động mệt mỏi thì dễ xảy ra tai nạn lao động.

Hơn nữa, nếu tăng thêm giờ làm việc thì theo ông Quảng, dễ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không tạo việc làm mới mà vẫn duy trì số lao động cũ rồi huy động làm thêm giờ. Như vậy lại phát sinh câu chuyện về giải quyết, bố trí việc làm cho người lao động.

Ông Quảng cho hay, quan điểm của Tổng liên đoàn là đồng ý bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, vì có những doanh nghiệp làm theo mùa vụ nếu giới hạn trong tháng là 30 giờ thì doanh nghiệp gặp khó khăn. Như vậy cũng sẽ giải quyết được những tồn tại của doanh nghiệp hiện nay là những đơn hàng cần làm trong một vài tháng.

Thứ hai, đồng ý tăng giờ làm thêm từ mức 200 giờ lên 300 giờ/năm, trường hợp đặc biệt mới được tăng lên 400 giờ/năm, nhưng phải có tiêu chí rõ ràng về trường hợp đặc biệt.

Thứ ba, nếu tăng giờ làm thì phải tính tiền lương cho người lao động theo phương pháp lũy tiến. Cụ thể: Làm thêm giờ theo quy định hiện hành đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ từ 200-300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%…. để doanh nghiệp bố trí kế hoạch, thực sự cần thiết mới tăng giờ làm thêm.

Nguyễn Lê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP