Tàu ngầm Việt Nam tiên tiến hơn Trung Quốc
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 30 tháng 10 dẫn mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đưa tin, Hải quân Việt Nam sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636 đầu tiên mang tên Hà Nội trong số 6 chiếc đặt mua của Nga vào ngày 7 tháng 11 năm 2013.
Quan chức của nhà chế tạo tàu ngầm Đô đốc St. Petersburg cho biết, vào trung tuần tháng 11 năm nay, chiếc tàu ngầm này sẽ được đưa về Việt Nam và đến cuối tháng 1 năm 2014 đến căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh, Việt Nam, sau đó thượng cờ Việt Nam ở đó và chính thức ký kết văn kiện tiếp nhận.
Đồng thời, Nga cũng đang chạy thử tàu ngầm thứ hai mang tên thành phố Hồ Chí Minh cho Việt Nam tại biển Barents, cũng có kế hoạch bàn giao trước cuối năm. Nga có kế hoạch đến trước năm 2016 sẽ bàn giao 4 chiếc còn lại cho Việt Nam.
Theo bài báo, từ tháng 4 năm nay, đã có mấy chục binh sĩ Hải quân Việt Nam tiếp nhận huấn luyện điều khiển tàu ngầm tại St. Petersburg. Khi thăm Nga vào năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo với Nga, trị giá hợp đồng là 2 tỷ USD, cộng với hỗ trợ đào tạo binh sĩ Việt Nam và cung cấp các thiết bị cần thiết liên quan… Có chuyên gia cho rằng, tổng kim ngạch sẽ lên tới 3-3,2 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu ngầm Hà Nội trong một chuyến thăm Nga
Lô tàu ngầm Việt Nam đặt mua của Nga này là phiên bản cải tiến của Project 636M lớp Kilo Nga, thuộc tàu ngầm thế hệ thứ ba. Nó là tàu ngầm có lượng xuất khẩu nhiều nhất của Nga hiện nay, nổi tiếng về hỏa lực mạnh, có thể tấn công mục tiêu ở cự ly xa, tiềng ồn nhỏ, không dễ bị kẻ thù phát hiện, được mệnh danh là “Hố đen đại dương”.
Loại tàu ngầm này có lượng giãn nước là 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, độ sâu lặn bình quân là 240 m, lặn sâu tối đa có thể đạt 300 m, khả năng chạy liên tục là 45 ngày, trên tàu có thể mang theo 52 thủy thủ, trang bị ống phóng ngư lôi 533 mm, các vũ khí tác chiến như thủy lôi và tên lửa hành trình 3M-54 Club (Kalibr), chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống hạm và săn ngầm ở khu vực nước nông.
Trước đây, tờ “Kanwa Defense Review” Canada cho biết, so với 8 tàu ngầm loại này của Hải quân Trung Quốc (cũng mua của Nga), tàu ngầm của Hải quân Việt Nam đều đã áp dụng công nghệ mới về kính tiềm vọng, thiết bị trinh sát điện tử, gạch giảm âm (anechoic tile). Đồng thời, Hải quân Việt Nam cũng nhận được tên lửa phóng ngầm Club mới nhất, loại tên lửa này có tầm phóng 290 km.
Chuyên gia quân sự Nga Korotchenko cho biết, đối với Quân đội Việt Nam, sở hữu tàu ngầm lớp Kilo là bước nhảy vọt mang tính cột mốc về vũ khí trang bị, có nghĩa là phạm vi tác chiến của Quân đội Việt Nam đã mở rộng đến dưới lòng biển khơi, sở hữu loại tàu ngầm này có thể giúp Việt Nam bảo vệ có hiệu quả lợi ích ở Biển Đông.
Tàu ngầm Hồ Chí Minh, Hải quân Việt Nam, đang được Nga chạy thử.
Theo Tân Hoa xã và Thời báo Hoàn Cầu tuyên truyền, “sau khi trang bị tàu ngầm lớp Kilo, cân bằng sức mạnh trên biển ở Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi, khả năng kiểm soát dưới đáy biển của Việt Nam ở khu vực Biển Đông được tăng cường, đồng thời có năng lực cắt đứt tuyến đường hàng hải ở Biển Đông trong những thời điểm/giai đoạn đặc biệt”.
THX: Xây dựng “vùng mai phục tàu ngầm” kiểm soát cửa eo biển Malacca
Cũng về tàu ngầm Việt Nam, Tân Hoa xã ngày 14 tháng 8 cho rằng, sức mạnh của Hải quân Việt Nam bước vào “cao trào” mới. Trong tương lai, Việt Nam sẽ sở hữu 6 tàu ngầm lớp Kilo hiện đại, sẽ nhận từng chiếc một cho đến năm 2016, trước hết là tàu ngầm Hà Nội, tàu ngầm thành phố Hồ Chí Minh, rồi tàu ngầm Hải Phòng…
Sở hữu tàu ngầm Kilo giúp Việt Nam mở rộng phạm vi tác chiến xuống lòng biển khơi (ngoài tác chiến trên đất liền, trên không, trên mặt biển), giúp Việt Nam tăng cường năng lực kiểm soát đáy biển ở Biển Đông, có thể chi viện cho hạm đội hoạt động trên Biển Đông bất cứ lúc nào.
Theo tuyên truyền của bài báo, sau Đại hội 9, Hải quân Việt Nam đã đưa ra “Kế hoạch phát triển trang bị hải quân năm 2000” và “Quy hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21”, nỗ lực trở thành “nước mạnh về biển” ở ASEAN. Theo nguồn tin từ “Quân đội Việt Nam”: “(Việt Nam) có kế hoạch xây dựng được một lực lượng hải quân hiện đại trước năm 2015, khi đó, năng lực hộ tống biển xa và năng lực tác chiến trên biển của Hải quân Việt Nam sẽ đạt trình độ khá”.
Phân đoạn tàu ngầm Kilo, Nga chế tạo cho Việt Nam
Theo suy đoán của báo giới Trung Quốc, 2 chiếc tàu ngầm Kilo trong lô đầu tiên của Việt Nam sẽ có năng lực tác chiến ban đầu vào cuối năm 2014, đến năm 2017 Việt Nam sẽ có năng lực răn đe dưới nước tương đối hoàn chỉnh.
Trên thực tế, đây là một phần của kế hoạch xây dựng Hải quân Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã tăng mạnh kinh phí dành cho Hải quân, cấp vốn xây dựng và mở rộng nhiều cảng biển ở miền trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh. Đồng thời, vào năm 2007, Việt Nam tích cực chuẩn bị cho việc phát triển thêm lực lượng tàu ngầm.
Tân Hoa xã đưa ra bình luận nói rằng: “Trước sức ép quân sự từ bên ngoài, Việt Nam không chỉ mua sắm trang bị tiên tiến, mà còn bắt đầu từng bước điều chỉnh chiến lược quân sự ở Biển Đông, tìm cách xây dựng “2 tuyến chiến trường”, thực hiện “cân bằng nam bắc” – tức là cùng với việc tích cực mở rộng phía bắc Biển Đông, tập trung xây dựng “chiến trường” phía nam Biển Đông, đặc biệt là hướng “cổng vào” eo biển Malacca ở phía nam Biển Đông, xây dựng một “vùng mai phục tàu ngầm”. Việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo chính là nội dung cốt lõi của kế hoạch tác chiến tàu ngầm Việt Nam”.
Mục tiêu chiến lược cụ thể mở rộng hải quân của Việt Nam gồm có mấy phương diện: Trước hết là bảo vệ quần đảo Trường Sa, giữ vững những lợi ích đã có. Việt Nam đang kiểm soát 29 đảo, đá ngầm (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam) và đang tăng cường củng cố, khẳng định chủ quyền. Thứ hai, ngăn chặn các hành động (bất hợp pháp) kiểm soát đảo, đá ngầm trên Biển Đông, làm cho bản thân “ở vị thế có lợi trong tranh chấp”.
Truyền thông Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc Việt Nam sở hữu tàu ngầm do Nga chế tạo.
Theo báo chí TQ, hiện nay, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quân, cụ thể: đầu năm 2007, trên nền tảng mua 4 tàu tên lửa lớp Tarantul của Nga, Việt Nam tận dụng công nghệ Nga, đã tự chế tạo 10 tàu tên lửa lớp Molniya. Năm 2011, Việt Nam chi tiền “khủng” nhập 2 tàu hộ vệ tàng hình lớp Gepard của Nga. Bắt đầu từ năm 2010, Việt Nam còn chi 3,8 tỷ USD nhập khẩu 13 máy bay chiến đấu Su-27 và 4 máy bay chiến đấu Su-30MKV, bán kính tác chiến trên 1.500 km, được coi là “sức chiến đấu cốt lõi” tranh quyền kiểm soát trên không Biển Đông của Không quân Việt Nam.
Hơn nữa, việc mua sắm tàu ngầm lớp Kilo đã phản ánh tham vọng xây dựng lực lượng tấn công “ngầm” của Việt Nam. Sau khi sở hữu 6 tàu ngầm Kilo và vài tàu chiến kiểu mới, Hải quân Việt Nam sẽ phát triển một lực lượng phòng thủ biển gần tương đối cân bằng. Mục tiêu cuối cùng của Hải quân Việt Nam là xây dựng một lực lượng tàu ngầm với nhiều tàu ngầm tiên tiến hơn do Nga chế tạo, tăng cường năng lực răn đe ở Biển Đông.
Việt Nam còn hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản, thậm chí Nga. Ấn Độ có kế hoạch giúp Việt Nam tiến hành huấn luyện tàu ngầm và lực lượng dưới nước, kế hoạch hợp tác gồm có Học viện tàu ngầm Hải quân Ấn Độ thông qua mô hình huấn luyện tàu ngầm tiên tiến, tiến hành huấn luyện quân sự chuyên nghiệp cho Hải quân Việt Nam.
Tàu hộ vệ tàng hình Gepard của Việt Nam, mua của Nga, lượng giãn nước 2.100 tấn, tốc độ 28 hải lý/giờ.
Đầu năm 2012, Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận huấn luyện nhân viên tàu ngầm, bắt đầu từ nửa cuối năm 2012, nhân viên Hải quân Việt Nam bắt đầu tham gia huấn luyện tại căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Trong khi đó, trước cuối năm 2013, Nga sẽ xây dựng một Trung tâm đào tạo số hóa mới ở căn cứ vịnh Cam Ranh, dùng để đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Kết hợp giữa hợp tác và tự cường
Tuy nhiên, Tân Hoa xã phân tích cho rằng, Hải quân Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều trong việc tăng cường các năng lực quan trọng, như năng lực theo dõi, giám sát vùng trời trên biển, năng lực duy trì hiện diện lâu dài trên biển. Xây dựng một lực lượng tàu ngầm hoàn thiện không phải là một việc đơn giản, cần phải sở hữu được tàu ngầm “luôn có năng lực hành động”, thủy thủ có kỹ năng thành thục, xây dựng được học thuyết/lý luận tác chiến.
Điều quan trọng nhất là, muốn phát huy được năng lực răn đe của lực lượng tàu ngầm, cần xây dựng hệ thống tác chiến hoàn thiện, toàn diện. Điều này không chỉ lệ thuộc vào quyết tâm của các nhà lãnh đạo chính trị, mà còn là thử thách quan trọng đối với thực lực kinh tế tổng thể của Việt Nam.
Tàu tên lửa lớp Taratul của Hải quân Việt Nam
Theo Tân Hoa xã, một quốc gia còn tương đối “nghèo” như Việt Nam, muốn nhanh chóng hiện đại hóa quân đội, dựa vào mua sắm vũ khí và hợp tác quốc tế là một sự lựa chọn nhanh nhất. Nhưng, theo tuyên truyền ác ý của Tân Hoa xã thì, “điều này sẽ tạo ra “mối đe dọa” cho an ninh Biển Đông và toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Điều này có liên quan tới lợi ích của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN…”
Thực ra, Tân Hoa xã đã quên rằng, chính Trung Quốc mới là quốc gia đang ra sức phát triển sức mạnh quân sự trên biển và răn đe vũ lực (thường xuyên tập trận trên Biển Đông để đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp). Trong khi đó, Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách quốc phòng tự vệ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền lợi biển của Việt Nam dựa trên những bằng chứng pháp lý, lịch sử, thực tiễn đầy đủ, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế…
Tân Hoa xã kết luận, cho rằng, mặc dù Hải quân Việt Nam có thể tạm thời giành được sự giúp đỡ và hỗ trợ vũ khí của cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng đạt được bao nhiêu lợi ích vẫn phải tùy thuộc vào trình độ của bản thân. Hiện nay, Việt Nam là một nước đang phát triển mang tính khu vực, Việt Nam chưa có đủ thực lực kinh tế và công nghệ để xây dựng được hệ thống tác chiến hoàn chỉnh, vì vậy bài báo “chụp mũ” cho rằng, Việt Nam chi tiền khủng mua các loại vũ khí trang bị mới phần lớn là để có được một “con bài” chơi cờ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Su-30 của Việt Nam, do Nga chế tạo.
GDVN