CSGT dừng, nhắc nhở tài xế để đèn led trong xe |
Vừa xử lý, vừa tuyên truyền
Tối 2/3, tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh lập chốt kiểm tra tại Km 476 trên QL1 (thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân). Khác với những ca tuần tra thông thường, hôm nay tổ sẽ tăng cường kiểm tra các phương tiện theo chuyên đề đèn chiếu sáng. Đây là một trong số các chuyên đề đang được Phòng CSGT Hà Tĩnh tăng cường triển khai.
Trung tá Tô Đình Thiệu, Đội phó Đội TTKS phía Bắc cho biết: Độ đèn, chế đèn, tự ý thay đổi kết cấu công suất đèn chiếu sáng phương tiện là hành vi vi phạm gây nguy cơ TNGT cao. Với các chủng loại xe khác nhau, các nhà sản xuất đã nghiên cứu, chế tạo đèn chiếu sáng với công suất phù hợp, nhưng một số lái xe vì lý do này, lý do khác đã tiến hành “độ” đèn làm lóa mắt, hạn chế tầm quan sát của phương tiện khác.
Điển hình như lúc 21h15, xe khách giường nằm của nhà xe Tú Tạc di chuyển trên QL1 hướng Bắc - Nam. Từ rất xa, ánh đèn led chói lóa khiến các chiến sỹ vừa phải lấy tay che mắt vừa ra hiệu lệnh dừng kiểm tra.
Khi cách tổ công tác chừng 200m, lái xe liền tắt đèn led và xuống xe phân bua. Lái xe L.N.T.D. (SN 1974, trú ở Thanh Khê, Đà Nẵng) nói: “Xe em hay đi đêm, đường đèo nhiều, không lắp đèn led thì những hôm trời mù rất khó đi. Em cũng chỉ bật khi đi đèo thôi, các bác thấy đó giờ em có bật đâu”.
Tuy nhiên, hành vi của lái xe D. đã không “qua mặt” được các chiến sỹ CSGT. Trung tá Thiệu vừa tuyên truyền nhắc nhở, vừa giải thích cho lái xe D. biết việc lắp thêm đèn chiếu sáng là hành vi thay đổi kết cấu phương tiện, vi phạm quy định theo Nghị định 100 mới ban hành.
Trước thái độ cương quết của tổ công tác, tài xế D. đành ký vào biên bản vi phạm hành chính. Với vi phạm này, tài xế D. sẽ bị phạt 900 nghìn đồng và tước GPLX trong thời gian từ 1 - 3 tháng. “Lái xe khách như chúng em bị giữ bằng tức là mất việc. Em hứa xe về đến bến sẽ tháo ra ngay, kẻo người khác lái lại bị phạt”, lái xe D. buồn rầu nói.
Trước đó, tổ công tác cũng phát hiện xe tải BKS 38N - 1379 lắp thêm dàn đèn led phía trước xe. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện thêm xe tải này đã hết thời hạn kiểm định. Dù tài xế N.Đ.H. (SN 1983, trú ở Can Lộc, Hà Tĩnh) tìm đủ lý do để xin được bỏ qua, nhưng tổ công tác vẫn kiên quyết lập biên bản.
Lái xe tìm cách lách, lực lượng CSGT gặp khó
“ Từ 1/1/2020 đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xử lý 283 trường hợp “chế, độ” thêm hệ thống đèn chiếu sáng; số tiền xử phạt lên đến hơn 254 triệu đồng; tước GPLX 283 trường hợp. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cũng phát hiện ra điểm bất cập, ví như xe khách lắp đèn led chạy chữ quảng cáo, xe đầu kéo gắn đèn dọc sườn xe... Về nguyên tắc là sai nhưng việc này lại có lợi như giúp khách dễ nhìn hơn ban đêm, xe đi bên cạnh biết mà phòng tránh, chứ không ảnh hưởng đến người và phương tiện di chuyển ngược chiều… |
Trung tá Tô Đình Thiệu cho biết: Trước đây, tình trạng “độ, chế” thêm đèn chiếu sáng rất nhiều. Thế nhưng, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực với mức phạt được tăng lên, lực lượng CSGT làm mạnh nên tình trạng này được cải thiện. Hiện số lượng vi phạm rất ít, ý thức của các lái xe đã được nâng lên rõ rệt.
Trong quá trình theo chân tổ công tác, qua trao đổi thì hầu hết các lái xe đều cho biết đã nắm được quy định về mức xử phạt với lỗi này, tuy nhiên, nhiều nhà xe vẫn cố tình lắp, che giấu một cách tinh vi hơn.
Là người có hơn 10 năm chạy xe đường dài, tài xế Bùi Văn Cường (SN 1980, trú Hải Phòng) cho biết: Mùa này, về đêm và sáng sớm ở những đoạn đường qua vùng nông thôn, đồi núi sương mù rất dày khiến tầm nhìn hạn chế.
Trong khi đó, hệ thống đèn trên xe không phá được sương mù. Để đủ sáng, nhiều người đã lắp thêm dàn đèn led phía trước. “Tuy nhiên, giờ có quy định mới về xử phạt hành vi “độ” thêm đèn thì họ tháo ra, bỏ trên tap-lô, phía trong kính xe. Khi cần thì bật, không thì tắt, không gắn cố định để tránh bị CSGT phạt”.
Tài xế Tạ Quang Dũng (SN 1970, trú Diễn Châu, Nghệ An) cũng cho rằng: Thực tế, hệ thống đèn nguyên bản trên xe chỉ dùng được một thời gian ngắn, sau đó ánh sáng rất yếu. Dù biết sai nhưng nhà xe vẫn để thêm dàn đèn led trên tap-lô phía trong kính trước xe để đủ ánh sáng chạy qua những vùng sương mù dày đặc.
Trung tá Tô Đình Thiệu cho biết: Đi đường đèo, hoặc di chuyển trong điều kiện sương mù dày đặc mà không có đèn phá sương thì cũng rất nguy hiểm. Các lái xe cũng có cái lý của họ, vì vậy khi làm nhiệm vụ cũng phải linh hoạt, chỉ những trường hợp nào cố tình vi phạm, “độ” đèn, bật tràn lan thì sẽ lập biên bản xử lý.
“Cũng có tình huống khiến anh em rất khó xử. Điển hình như việc nhà xe không hàn, gắn dàn đèn lên xe mà chỉ đặt trên tap-lô, để phía trong xe, không dùng nguồn điện của xe, không làm thay đổi kết cấu của nhà sản xuất thì cũng khó xử lý”, Trung tá Thiệu nêu.
Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao Thông