ĐB này cho rằng phải chống được tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công vì lĩnh vực này đang rất nghiêm trọng.

Liên quan đến các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, ĐB Nguyễn Văn Hiến đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Nhân dân hỏi chúng ta có cần cầu không? Chúng ta rất cần cầu. Nhưng bây giờ chúng ta có cần cầu dây văng lung linh như thế không? Chúng ta có cần sân bay không? Cần, nhưng chúng ta xây sân bay vào lúc nào? Quy mô của nó bao nhiêu? Chúng ta có cần những công trình văn hóa 3.200 tỉ mà bây giờ để cho thuê đám cưới không? Chúng ta có cần những Làng văn hóa 3.200 tỉ, nhưng bây giờ lại biến thành phim trường cho những bộ phim kinh dị không?” ĐB Nguyễn Văn Hiến đặt ra hàng loạt câu hỏi và kêt bằng một câu trả lời dứt khoát: “Nhân dân không chấp nhận được chuyện đó”.ĐB Nguyễn Văn Hiến nêu ra một thực trạng rất đáng lo ngại. Đó là “Tâm lý bây giờ rất phổ biến là công trình có cấp bách, chính đáng, mang lại lợi ích cho dân thì câu hỏi đầu tiên vẫn phải là xem xét động cơ của chúng ta làm công trình này là gì?”. Vì vậy, ông Hiến khẳng định vấn đề chống lãng phí lĩnh vực đầu tư công là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Văn Hiến, chúng ta phải rà soát tiêu chuẩn định mức trong đầu tư công. “Tại sao có những con đường đắt nhất thế giới? Tại sao Bộ trưởng GTVT vừa mới về cắt tỉa một ít đã tiết kiệm được hơn 3500 tỉ đồng. Tai sao người ta lại có thể lăn xả vào để làm 1 km đường, xây dựng được 1 cây cầu nhỏ thôi là đã trở nên giàu có “ – ĐB Nguyễn Văn Hiến nêu câu hỏi.

“Chúng ta quy hoạch 52 và đã xây dựng được 30 cảng. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống tàu bè lưu thông cũng còn nhiều khó khăn”, ĐB nêu dẫn chứng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa tạo ra được hệ thống hạ tầng kết nối các cảng. ĐB Nguyễn Văn Hiến đề nghị Quốc hội phải quan tâm đến việc này.

ĐB Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Trước khi đi họp Quốc hội có một doanh nghiệp nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông?”.

Cũng theo ông Hiến, tái cơ cấu trách nhiệm là để phục vụ dân tốt hơn, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, và để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta cứ nói vì doanh nghiệp nhưng thực ra doanh nghiệp có được đối xử tốt không? Doanh rất phổ biến là nạn nhân của tệ nạn tham nhũng. Doanh nghiệp mà phải dùng tới 872 giờ để nộp thuế thì đó là một sự hành hạ doanh nghiệp.

“Đất nước ta không thiếu người tâm huyết tài năng, nhưng họ không có điều kiện may mắn và không có vị trí xứng đáng để có thể giúp dân, giúp nước, nên phải bằng cơ chế tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển bổ nhiệm công khai, minh bạch thì họ mới có cơ hội giúp dân giúp nước được” – đại biểu Hiến đề nghị.