Kinh tế

Tài sản của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 5.800 tỷ đồng

VIC bứt tốc mạnh mẽ vượt ngưỡng 100.000 đồng không những đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index còn khiến giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vọt.

Cổ phiếu của tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh đã hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán

Trong phiên giao dịch gay cấn đến ngộp thở ngày 22/10, các nhà đầu tư đã thực sự bất ngờ khi VN-Index bứt tốc mạnh mẽ phiên chiều và tăng tới 10,87 điểm tương ứng 1,16% lên 949,9 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 0,88 điểm tương ứng 0,63% lên 140,86 điểm và UPCoM-Index giảm 0,11 điểm tương ứng 0,17% còn 63,64 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 365,11 triệu cổ phiếu tương ứng 7.308,14 tỷ đồng trên HSX và 41,77 triệu cổ phiếu tương ứng 591,58 tỷ đồng trên HNX. Trên sàn UPCoM, khối lượng giao dịch là 19,63 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 270,51 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường được bao trùm bởi sắc xanh chủ đạo. Có 424 mã tăng giá, 49 mã tăng trần trên toàn bộ thị trường chung, áp đảo hoàn toàn so với 301 mã giảm, 19 mã giảm sàn.

Cổ phiếu bluechips trong phiên hôm qua đã phát huy được vai trò dẫn dắt của mình. Với 24 mã tăng giá trong rổ Vn30, chỉ số VN30-Index đã tăng 12,2 điểm tương ứng 1,35% lên 918,3 điểm - biên độ tăng rõ ràng là rộng hơn so với VN-Index.

Trong nhóm tăng giá này, phải kể đến trước hết là VIC với mức tăng 2.800 đồng/cổ phiếu lên 100.100 đồng.

MWG cũng tăng 2.700 đồng lên 108.500 đồng; GAS tăng 1.400 đồng lên 73.700 đồng; MSN tăng 1.300 đồng lên 85.000 đồng; PNJ tăng 1.200 đồng lên 68.200 đồng; FPT tăng 1.200 đồng lên 54.000 đồng; VJC, VHM, HPG, VNM, VRE… cũng đều tăng giá.

Chỉ riêng VIC và VHM mà chỉ số VN-Index đã tăng thêm lần lượt 2,69 điểm và 1,05 điểm.

Bên cạnh việc hỗ trợ thị trường thì với việc VIC vượt mốc 100.000 đồng cũng đã giúp giá trị tài sản của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng nhanh.

Cụ thể, tính riêng phiên 22/10, giá trị tài sản của Chủ tịch Vingroup tăng thêm 5.365,8 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản của bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup tăng gần 423 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưa thích. Hầu hết cổ phiếu trong nhóm ngành này đều tăng như CTG, BID, VPB, VCB, MBB, EIB, TCB, STB.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là những mã có thanh khoản sôi động nhất trong phiên. Trong số 10 mã giao dịch mạnh nhất thì nhóm ngân hàng chiếm đến 6 mã: TCB, STB, ACB, CTG, VPB, MBB. Thêm vào đó, tại EIB còn được thoả thuận khối lượng lớn 16,4 triệu đơn vị, giá trị thoả thuận 285,83 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, hôm qua một số mã cổ phiếu lại bị chốt lời mạnh. Có thể kể đến VHC giảm 3,8%; GTN giảm 1,7%; BVB giảm 1,5%; FLC giảm 1,4%.

Trogn phiên hôm qua, nhà đầu tư vẫn “tháo hàng” mạnh với giá trị bán ròng gần 606 tỷ đồng, khối lượng bán ròng ở mức 14,8 triệu cổ phiếu.

Riêng sàn HSX, khối ngoại bán ròng phiên thứ 21 liên tiếp, với giá trị tăng 59% so với phiên trước và ở mức 602 tỷ đồng, tương ứng 14,5 triệu cổ phiếu. Luỹ kế 21 phiên, khối ngoại bán ròng tổng cộng 6.772 tỷ đồng.

Dẫn đầu trong danh sách bán ròng của khối ngoại là MSN với khối lượng 2,48 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 209,4 tỷ đồng; VNM bị bán ròng hơn 1,1 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 119,7 tỷ đồng. CTG, VCB, VHM, HDB cũng trong danh sách này.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP