Ông có thể khái quát tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh trong giai đoạn 2010-2015?
Hà Tĩnh xác định tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài.
Năm năm qua, nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, kinh tế nông thôn phát triển khá, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực luôn phát triển đột phá theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 6,6%/năm (mục tiêu đề ra là 3,3%), cao gấp 2,12 lần bình quân chung cả nước (3,12%); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 70 triệu đồng/ha (tăng 48,9%); tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng từ 34,4% (năm 2010) lên 48,2% (năm 2015).
Chương trình MTQG XDNTM đạt kết quả toàn diện, khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo diện mạo mới. Từ chỗ chỉ đạt bình quân 4,1 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí thì đến nay, toàn tỉnh đã có 52 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 9 tiêu chí. Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong XDNTM, là 1 trong 13 tỉnh, thành phố được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và thưởng công trình trị giá 30 tỷ đồng.
Song song với nhiệm vụ XDNTM, Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết quả bước đầu của chương trình này như thế nào, thưa ông?
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, Hà Tĩnh xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là nội dung trọng tâm, cốt lõi. Muốn làm được điều này, phải đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay vì sản xuất theo lối manh mún, nhỏ lẻ, phải từng bước hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi. Vì vậy, ngay từ năm 2011, Hà Tĩnh đã sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp (trong khi Chính phủ có chủ trương từ năm 2013), với việc xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ban hành đồng bộ hệ thống các quy hoạch, đề án, cơ chế, chính sách, tập trung chỉ đạo quyết liệt tổ chức lại sản xuất theo mô hình tăng trưởng mới. Thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, phát triển hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị liên kết. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 10.000 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn (bình quân đạt trên 23 triệu đồng/người, tăng 2,7 lần so với năm 2010), tăng thêm nguồn lực cho XDNTM.
Thưa ông, trong thực tiễn, việc gắn kết tái cấu trúc ngành nông nghiệp với XDNTM đạt hiệu quả thế nào?
Có thể khẳng định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với XDNTM, đây là 2 vấn đề gắn kết chặt chẽ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Nếu không XDNTM thì không thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công (XDNTM làm thay đổi cơ cấu nội tại của nền sản xuất nông nghiệp, nhất là về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất, nguồn nhân lực lao động nông thôn…). Ngược lại, không tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả thì không thể xây dựng được NTM như yêu cầu (vì tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao hơn, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tăng nguồn lực cho XDNTM).
Nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh.
Điển hình trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM rất hiệu quả mà Hà Tĩnh đã làm, đó là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, biểu hiện rõ nét nhất về sự bố trí, sắp xếp hài hòa giữa tổ chức sản xuất với cảnh quan, môi trường sống nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó có 424 khu dân cư kiểu mẫu, 800 vườn mẫu đạt chuẩn. Đây có thể khẳng định là những làng quê đáng sống.
Thực tiễn cho thấy, bài học lớn nhất về gắn kết tái cơ cấu nông nghiệp với XDNTM chính là: Tái cơ cấu nông nghiệp là động lực then chốt, yếu tố quyết định để XDNTM bền vững; lấy cách làm “chủ động, sáng tạo, bài bản, quyết liệt, hiệu quả” trong XDNTM để chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Giai đoạn 2016-2020, định hướng phát triển cơ bản của Hà Tĩnh là gì, thưa ông?
Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn qua, với nỗ lực, quyết tâm cao, Hà Tĩnh tiếp tục đặt mục tiêu khá cao cho giai đoạn tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: Duy trì tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản trên 6%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM, 3 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Với định hướng cơ bản là: Tiếp tục xác định tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với XDNTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Trong đó, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là nội dung trọng tâm, cốt lõi để XDNTM bền vững. Tập trung quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khẳng định vai trò trung tâm của doanh nghiệp. Khoa học công nghệ và liên kết sản xuất là những yếu tố quyết định trong phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!
Anh Bình – Ngô Thắng (thực hiện)