Kinh tế

Suốt thập kỷ ẩn mình, đại gia số 1 Việt Nam vụt sáng trở lại

Triển vọng sáng sủa của lĩnh vực bất động sản công nghiệp mang đến cú bứt phá ngoạn mục cho cổ phiếu KBC của đại gia từng giàu nhất Việt Nam: Đặng Thành Tâm. Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam.

CTCP Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa công bố thông tin cho biết, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp đã hoàn tất mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC như đăng ký trước đó.

Giao dịch thực hiện từ 6/4 đến 24/4. Sau giao dịch, ông Đặng Thành Tâm nâng lượng sở hữu tại Kinh Bắc City lên 85,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,15%).

Như vậy, ông Đặng Thành Tâm đã chi ra lượng tiềnkhoảng 120 tỷ đồng để mua vào cổ phiếu doanh nghiệp của mình.

Trước đó, không ít ông chủ doanh nghiệp và người liên quan đăng ký mua vào cổ phiếu nhưng không mua hoặc không mua hết số cổ phiếu đăng ký như: Chủ tịch HĐQT Thế giới di động (MWG) Nguyễn Đức Tài hay bà Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ.

Cổ phiếu KBC của ông Đặng Tâm gần đây tăng mạnh, mức tăng khoảng 30% trong vòng 1 tháng qua, từ 10 ngàn đồng/cp lên trên ngưỡng 13 ngàn đồng như hiện tại.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Cũng như các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp khác, KBC của ông Đặng Thành Tâm được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt ngay cả khi bệnh dịch nhờ dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, nhất là khi các nước trên thế giới có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc.

Trong quý I/2020, dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp BĐS công nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh quý khả quan. Công ty Sonadezi Châu Đức (SZC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 3 lần lên 53,6 tỷ đồng, doanh thu tăng 2,5 lần. Nam Tân Uyên (NTC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng hơn 22%. Doanh nghiệp này có 1,5 ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng. Cổ phiếu NTC tăng 8 trong 10 phiên gần đây.

Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ lên gần 49 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của D2D, doanh thu bán hàng dự án khu dân cư Lộc An đạt 57,5 tỷ đồng, tăng 166% cùng kỳ và chiếm 71% tổng doanh thu. Ngược lại, doanh thu bán hàng dự án khu dân cư phường Thống Nhất giảm mạnh từ 19 tỷ về 1,3 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của dự án Lộc An đạt 81%, cao hơn mức biên lợi nhuận toàn công ty là 71%.

Một loạt DN ngành cao su có quỹ đất rộng và mở sang lĩnh vực BĐS công nghiệp như Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Long Bình (MH3),... đều có kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo JLL Việt Nam, dịch bệnh đã hạn chế NĐT nước ngoài vào Việt Nam nhưng dòng vốn ngoại sẽ hồi phục nhanh và mạnh sau khi dịch được kiểm soát. Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, không chỉ tập trung tại Trung Quốc.

Trong báo cáo mới đây của CTCK BSC, nhóm BĐS công nghiệp và cao su có khả năng trụ vững tốt nhất nếu dịch bệnh kéo dài. Các doanh nghiệp này có các chỉ số tài chính an toàn ở mức độ cao, với với thời gian đủ khả năng chi trả lên tới 220 tháng và 92 tháng nhờ cấu trúc dòng tiền được nhận khoản tiền lớn trả trước từ khách hàng thuê đất tại KCN.

Với KBC của ông Đặng Thành Tâm, triển vọng nói chung là khá tốt. Doanh nghiệp này gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều thông tin về hoạt động của doanh nghiệp này vẫn khiến nhiều NĐT lo ngại. Việc trả cổ tức của KBC cũng không đều và không cao.

Hồi đầu 2020, KBC bất ngờ thông qua việc chi gần 1.855 tỷ đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen sau 2 năm rưỡi bán đi cho CTCP Đầu tư Mặt trời mọc, liên quan tới Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên TTCK. Ngoài sở hữu cổ phiếu ITA, ông còn là cổ đông lớn của Kinh Bắc (KBC), Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn (SQC), Saigontel (SGT). Trong đó, ông là Chủ tịch HĐQT của Kinh Bắc và Saigontel.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/4, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động nhẹ và đang ở quanh mức 770 điểm. Các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 tiếp tục phân hóa.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BSC, thị trường hôm qua đã có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản giảm nhẹ, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang quay lại trạng thái thận trọng. Rủi ro của thị trường vẫn tồn tại khi giá dầu thế giới tiếp tục sụt giảm mạnh và kết quả kinh doanh quý I của nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. BSC duy trì khuyến nghị theo dõi biến động thị trường chứng khoán thế giới và các thông tin vĩ mô sắp được công bố.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4, VN-Index giảm 3,56 điểm xuống 767,21 điểm; HNX-Index giảm 0,04 điểm xuống 106,26 điểm. Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 52,11 điểm. Thanh khoản đạt 4,1 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG