Việt Nam

Sức mạnh quân sự Việt Nam thứ 23 thế giới?

Sức mạnh quân sự Việt Nam :

Một vài trang tin Việt Nam dẫn các số liệu nước ngoài xếp Việt Nam đứng hạng 23 thế giới về sức mạnh quân sự. Điều này có đúng hay không?

Sức mạnh quân sự Việt Nam

Global Firepower xếp Viêt Nam đứng thứ 23 về sức mạnh quân sự

Trong tháng 4 vừa qua, một số báo điện tử đã dẫn nguồn tin nước ngoài đánh giá Việt Nam đứng hàng 23 thế giới về sức mạnh quân sự. Mấy ngày qua, tiếp tục lại có thông tin trích dẫn từ các nguồn này, khẳng định vị trí 23 của Việt Nam trong bảng xếp hạng. Vậy bảng xếp hạng này được xây dựng theo những tiêu chí nào?

Tờ Business Insider của Mỹ đã đưa ra bảng xếp hạng 39 nước hàng đầu thế giới về quân sự dựa vào chỉ số Global Firepower Index (chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu, gọi tắt GFI) tại địa chỉ globalfirepower.com. Tháng 4 vừa qua, trang web này đã công bố bảng xếp hạng và các số liệu quân sự của 106 nước trên thế giới, trong đó, Việt Nam được xếp hạng thứ 23.

Theo cách tính của Global Firepower, tất cả các chỉ số đều được quy ra điểm (PwrIndx). Điểm “PwrIndx” lý tưởng là 0,0000, được đánh giá dựa trên 50 yếu tố có ý nghĩa quyết định về khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường như các yếu tố liên quan đến tài nguyên, tài chính, sức mạnh hải quân, hậu cần, dân số.

Tuy nhiên, những yếu tố như vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa mặc dù có liệt kê nhưng không được tính đến trong bảng xếp hạng của Global Firepower, và được trang này lý giải là để cho phép so sánh một cách cân bằng giữa những nước nhỏ, nhưng có công nghệ tiên tiến với những nước lớn nhưng không đầu tư nhiều vào quân sự!?

Dựa trên 50 chỉ tiêu thu thập được từ CIA và các báo cáo truyền thông, Global Firepower đánh giá dẫn đầu bảng xếp hạng là Mỹ với số điểm là 0,2208. Nga xếp thứ hai và Trung Quốc xếp thứ ba với số điểm lần lượt là: 0,2355 và 0,2594. Các nước từ thứ 4 đến thứ 10 lần lượt là Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản.


Việt Nam được xếp hạng 23 thế giới về sức mạnh quân sự?

So với khối Asean, Việt Nam đứng thứ 23 với số điểm 0,8962, đứng dưới Indonesia (thứ 19 với 0,8008 điểm) và cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan (24/0,9287), Philippines (37/1,3042), Malaysia (xếp thứ 38, được 1,3143 điểm), Singapore (44/1,4699), Campuchia (84/2,5798) và Lào (102/3,7683).

Theo như số liệu của Global Firepower, Việt Nam được xem là nước chi ngân sách quốc phòng khá lớn, khoảng 3,4 tỷ USD. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có lực lượng dự phòng lớn với hơn 41 triệu người phù hợp để phục vụ quân sự trên tổng số hơn 92 triệu dân.

Tổng hợp số liệu từng hạng mục đánh giá trên trang web này, Việt Nam hiện đang sở hữu 3.200 xe tăng, 413 máy bay các loại (209 máy bay chiến đấu, 141 máy bay lên thẳng), sở hữu 65 tàu chiến, 1.300 hệ thống rocket và 2.100 phương tiện chiến đấu khác.

Nguồn tin, tiêu chí, cơ chế xếp hạng không thuyết phục

Hệ thống tiêu chí và kết quả đánh giá của “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia” này chỉ có giá trị giải trí và tham khảo, các tiêu chí bình chọn do họ tự đặt ra, không đại diện cho một tổ chức quân sự hoặc một tạp chí quốc phòng có uy tín và không hề được sự công nhận của các chuyên gia hoặc tổ chức quân sự trên thế giới.

Bảng xếp hạng 35 nước có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới của Business Insider

Theo nguồn gốc của thông tin, bảng xếp hạng của GFP có địa chỉ Website http://www.globalfirepower.com. Ở phần giới thiệu ở phía cuối trang trình bày rõ là tin, ảnh giới thiệu trên web này “chỉ có giá trị lịch sử và giải trí và không được coi là có giá trị cho việc sửa chữa, phục hồi, bảo dưỡng hoặc vận hành vũ khí trang bị”.

Những thông tin trên đã giải thích rõ ràng là trang này cũng không khẳng định thông tin của mình là nguồn chính thống để người đọc có thể trích dẫn, tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn tài liệu, vì vậy thông tin Việt Nam đứng thứ 23 về tiềm lực quốc phòng không thể coi là nguồn tư liệu có giá trị tin cậy.

GFP đã dựa trên 8 tiêu chí gồm khoảng 50 danh mục để đánh giá sức mạnh quân sự của 68 quốc gia mà họ thu thập được, cụ thể như sau:

1. Nguồn lực con người, bao gồm một số tiêu chí: Tổng dân số, dân số có thể huy động, dân số đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nhân khẩu hàng năm đến tuổi nhập ngũ, số lượng quân nhân tại ngũ, số lượng quân dự bị…

2. Lực lượng lục quân: Số lượng xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, pháo xe kéo, pháo hỏa tiễn (Rocket), pháo cối cá nhân, tên lửa chống tăng vác vai và xe vận tải…

Máy bay chiến đấu Su-30 của Việt Nam

3. Lực lượng không quân: Tổng số máy bay phản lực, tổng số máy bay chiến đấu/tấn công, tổng số máy bay trực thăng và số lượng sân bay…

4. Hải quân: Tổng số tàu thuyền, trong đó bao gồm: số lượng hàng không mẫu hạm, tàu hộ vệ (gồm cả tàu hộ vệ hạng nhẹ), tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm, tàu tuần tiễu ven bờ, tàu quét/rải lôi, tàu đổ bộ…

5. Nguồn lực dầu mỏ: Tổng sản lượng (nếu có khai thác), lượng nhập khẩu, lượng dự trữ…

6. Khả năng huy động hậu cần: Sức lao động, số lượng thương thuyền có thể huy động, số lượng cảng khẩu và eo biển, chiều dài đường quốc lộ và đường sắt…

7. Kinh tế: Ngân sách quốc phòng trong năm, nợ nước ngoài, dự trữ ngoại tệ, GDP tính theo sức mua bình quân…

8. Địa lí: Diện tích quốc gia, chiều dài bờ biển, chiều dài đường biên giới, chiều dài tuyến đường thủy…

Những hạn chế trong tiêu chí đánh giá

Thoạt nhìn những thống kê trên có vẻ đầy đủ và chi tiết nhưng trên thực tế nó còn rất nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đánh giá.

Thứ nhất: Với các tiêu chí đánh giá như trên, bảng xếp hạng này không thể coi là “Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự quốc gia” mà phải gọi là “Bảng xếp hạng tiềm lực quốc phòng”.

Tổ hợp tên lửa bờ đối hải K-300P Bastion của Việt Nam

Tiềm lực quốc phòng là khái niệm dùng để chỉ sức mạnh quốc phòng của một quốc gia, bao hàm trong nó là sức mạnh quân sự (của các lực lượng vũ trang) và nguồn lực tổng hợp của quốc gia có thể huy động cho chiến tranh. Điều đó thể hiện trong bảng xếp hạng trên ở các tiêu chí: Nguồn lực con người, nguồn lực dầu mỏ, khả năng huy động hậu cần, kinh tế, địa lí…

Thứ hai: Bảng xếp hạng chỉ thống kê số lượng vũ khí thông thường nhưng không có phân tích về mức độ hiện đại, tính năng tác chiến cụ thể dẫn đến nhiều quốc gia sở hữu số lượng lớn loại vũ khí già, cũ, khả năng tác chiến kém được xếp trên các nước có trang bị được xếp vào Top đầu thế giới nhưng có số lượng ít hơn.

Ví dụ như bảng xếp hạng xe tăng rất phi lí khi Triều Tiên đứng thứ 4 (6600 chiếc các loại), Syria xếp hạng 5 (4950), Ai Cập ở vị trí thứ 6 với 4767 chiếc và Việt Nam đứng thứ 11 (3200 xe tăng). Các nước này chỉ có số lượng là nhiều chứ chất lượng xe tăng được xếp vào hạng lạc hậu trên thế giới.

Trong khi Nhật, Pháp, Anh sở hữu những loại xe tăng rất hiện đại và có số lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới (trừ Nhật), thậm chí là số lượng xuất khẩu còn nhiều hơn cả tổng số xe tăng trong quân đội nhưng lại xếp những vị trí rất thấp, lần lượt là 26/767, 35/423 và 39/407.

Việt Nam hiện đang còn sử dụng các loại xe tăng T-54/55 cũ kỹ

Thứ ba: Việc chỉ thống kê số lượng, mà trong thống kê cũng không quy định những tiêu chuẩn trang bị cụ thể cũng dẫn đến sự sai lệch trong đánh giá, bình chọn.

Ví dụ như về hải quân, Bảng xếp hạng đánh giá Triều Tiên xếp thứ nhất với 1061 tàu, Trung Quốc xếp thứ 2 với 520, còn Mỹ chỉ đứng thứ 3 với 473. Trong khi đó, Iran xếp thứ 4 với 395 tàu, Campuchia đứng thứ 8 thế giới với 228 chiếc, còn Bolivia được xếp hạng 12 khi sở hữu 173 chiếc.

Điều đó xuất phát từ nguyên nhân bảng xếp hạng không quy định tiêu chuẩn giãn nước tối thiểu, gộp cả những tàu tác chiến ven bờ có lượng giãn nước 200-300 tấn, dẫn đến đánh giá rất thiếu chính xác, thiệt thòi cho những nước chú trọng phát triển chất lượng và các chiến hạm hạng nặng, ít tàu loại nhỏ.

Trung Quốc, Triều Tiên, Campuchia… mỗi nước có hàng trăm tàu tuần tiễu, tàu quét lôi và tàu tên lửa vài trăm tấn (ví dụ: riêng tàu tên lửa Type 022, lượng giãn nước 220 tấn, Trung Quốc đã có khoảng gần 100 chiếc). Chỉ cần đưa thêm tiêu chuẩn tàu phải có lượng giãn nước từ 1000 tấn trở lên, kết quả bảng xếp hạng sẽ khác ngay.

Thứ 4: Nhiều danh mục đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sức mạnh quân sự của một quốc gia, bao gồm: số lượng vũ khí mang tính chiến lược (ví dụ như: máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo); số lượng tên lửa liên lục địa; số lượng đầu đạn hạt nhân và vệ tinh quân sự không được tính đến.

Cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Việt Nam

Đây là những yếu tố then chốt, có ảnh hưởng quyết định đến sức mạnh quân sự của 1 quốc gia, một nước sở hữu vũ khí hạt nhân chắc chắn là có tiềm lực quốc phòng mạnh hơn rất nhiều so với nước có nhiều loại vũ khí thông thường vì nước nào chế tạo được loại vũ khí này sẽ có trình độ công nghệ tiên tiến trên nhiều lĩnh vực như công nghệ tên lửa, công nghệ điều khiển và dẫn đường, công nghệ vật liệu…

Thứ 5: Nếu đã đưa ra tiêu chí đánh giá về tiềm lực quốc phòng, việc thiếu chỉ số năng lực công nghiệp quốc phòng đã khiến nhiều nước có thực lực quân sự kém xếp hạng trên nhiều cường quốc về khoa học kỹ thuật quân sự.

Không thể phi lý hơn khi các nước thực lực quân sự không mạnh, công nghiệp quốc phòng kém phát triển như: Ai Cập (hạng 13), Indonesia (thứ 19), Việt Nam (23), Thái Lan (24) lại có thể xếp trên cả những nước mà chính họ đang phải nhập khẩu vũ khí như Saudi Arabia (25), Tây Ban Nha (28), Thụy Điển (29), Hà Lan (32), Triều Tiên (35).

Đây là những nước đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân, hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (Triều Tiên), hoặc chế tạo được và đang sở hữu hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm hàng vạn tấn (Tây Ban Nha), đóng được tàu ngầm AIP tiên tiến nhất trên thế giới, chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Gripen và hàng loạt thiết bị tàu thuyền, tăng, pháo như Thụy Điển hay có nền công nghiệp đóng chiến hạm rất mạnh như Hà Lan.

Tàu ngầm Kilo của Việt Nam

Vì vậy, chúng ta cần hiểu ngay là hệ thống tiêu chí và kết quả đánh giá của bảng xếp hạng này chỉ có giá trị giải trí chứ không hề được sự công nhận của các chuyên gia hoặc tổ chức quân sự trên thế giới.

Việt Nam hiện đang bước vào con đường hiện đại hóa quân đội, trang bị còn nghèo, lạc hậu, công nghiệp quốc phòng chưa phát triển, vũ khí chủ yếu là mua sắm từ nước ngoài, các chương trình hợp tác quốc phòng mới manh nha được triển khai. Tự chúng ta cũng thấy rõ, bảng xếp hạng của Global Firepower chỉ là tham khảo giải trí cho vui.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP