Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh hiện là bệnh viện hạng I, được giao kế hoạch 500 giường bệnh (nhưng đã có 1.063 giường thực kê, số lượng bệnh nhân luôn ở mức từ 750 – 1.000). 5 năm trở lại đây, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã có sự “lột xác” hoàn toàn, chiếm trọn niềm tin của người dân trong tỉnh.
Phòng khám phải như phòng khách
Trước đây Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có muôn vàn khó khăn, trì trệ. Khuôn viên cảnh quan hàng quán tràn lan, nhiều tệ nạn cũng vì thế len lỏi vào các khoa, phòng. Trong bệnh viện luôn mất vệ sinh, trộm cắp lộng hành; Chuyên môn khám chữa bệnh cho nhân dân không đáp ứng được yêu cầu; Cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng xuống cấp; Đời sống tinh thần vật chất cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả cán bộ viên chức bệnh viện hết sức khó khăn. Thực tế đã xảy ra tình trạng không có tiền trả tiền thuốc, dịch chuyền, duy tu sửa chữa mua sắm, không có tiền dịch vụ tăng thêm… niềm tin của bệnh nhân, của cán bộ, viên chức lung lay. Khôi phục lại trật tự, kỷ cương của bệnh viện để chữa bệnh tốt hơn cho nhân dân đối với một cơ sở chữa bệnh tuyến cuối của tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành việc làm cấp thiết, mong ước của nhiều người. Nhưng phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu là câu hỏi thường trực được đặt lên vai của TTƯT. Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc bệnh viện khi được bổ nhiệm mới?
Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Nhiệm vụ được đặt ra và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đó là “Lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động. Y đức là thước đo phẩm chất. Chuyên môn là thước đo nghề nghiệp”. Bệnh viện đã củng cố, xây dựng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và giàu y đức; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Dám làm và dám chịu trách nhiệm. Xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp, môi trường trong lành, con người thân thiện, yêu thương chia sẻ là cái đích mà các phong trào thi đua trong cán bộ viên chức luôn hướng tới. Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã mang lại tác dụng, ý nghĩa to lớn đối với người bệnh, đối với phong trào cán bộ viên chức và người lao động. Tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, bệnh viện chủ trương xã hội hóa đầu tư mới cây xanh hồ nước, xã hội hóa nhà phơi, điểm giặt cho bệnh nhân. Xã hội hóa trang bị nội thất cho nhiều buồng điều trị, khu vệ sinh của các khoa phòng, kiện toàn tổ bảo vệ, đảm bảo tốt an ninh trật tự bệnh viện. Tổ chức lại mô hình dọn vệ sinh trong và ngoài giờ, triển khai nhiều hệ thống biển bảng, chỉ dẫn, nội quy… đã làm cho bệnh viện có bộ mặt mới, theo đó là chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Cùng với đó, cải tiến quy trình khám bệnh rút ngắn thời gian chờ đợi, quyết liệt chấn chỉnh và ưu tiên cho kiện toàn khoa khám bệnh, coi phòng khám của bệnh viện là phòng khách, giải quyết nhanh gọn các thủ tục giấy tờ khi bệnh nhân nhập viện và ra viện.
Chất lượng điều trị làm nên thương hiệu
“Bệnh viện phải là cơ sở điều trị có uy tín, chất lượng khám, chữa bệnh phải có sự bứt phá, làm nòng cốt cho y tế toàn tỉnh được chúng tôi coi trọng hàng đầu song song với cải tiến quy trình, thay đổi cơ sở vật chất của bệnh viện”, BSCKII. Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc bệnh viện cho biết.
Được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện Trung ương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã đưa các tiến bộ y học, kỹ thuật mới, chuyên sâu vào điều trị, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh như triển khai phẫu thuật các bệnh lý về thắt lưng, cột sống; phát triển kỹ thuật tim mạch can thiệp; chấn thương chỉnh hình… Nhờ đó, việc chuyển viện của bệnh nhân lên tuyến trên đã giảm theo từng năm. Không có hiện tượng bệnh nhân phải nằm ghép. Công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật được đơn vị khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy khả năng tư duy sáng tạo của cán bộ thầy thuốc. Đã có 145 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có một đề tài được báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế, hai đề tài cấp tỉnh, nhiều đề tài đạt giải cao trong hội nghị khoa học của ngành. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thường xuyên được chú trọng, nhiều viên chức được tham gia với nhiều loại hình đào tạo.
Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viện làm tốt công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện huyện, đảm bảo công tác ứng cứu chuyên môn cho tuyến dưới như BVĐK Hương Khê, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, BVĐK thành phố.
Sự “lột xác” của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây có được là đến từ phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ viên chức. Phong trào thi đua gắn chặt với công tác điều trị gắn với việc làm cụ thể, gần gũi hàng ngày để đánh giá. Lấy y đức, trình độ chuyên môn để nhận xét công việc được giao, phẩm chất của người thầy thuốc. Phát huy vai trò lãnh đạo, làm tốt công tác tư tưởng của Đảng ủy, vai trò điều hành quản lý của Ban Giám đốc, vai trò tập hợp, động viên của các tổ chức đoàn thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp, toàn diện trong các mặt hoạt động của bệnh viện.
Quang Tình / SK&ĐS