Ảnh minh họa.
Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2016, ngày 29/9.
Tổng cục Thống kê cho biết, số lượng người thất nghiệp trong quý 3/2016 ước tính là 1.160,5 nghìn người, tăng thêm gần 40.000 người so với quý 2/2016, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ là 25.000 người.
Nói về nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng cao, bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhận định, ảnh hưởng từ sự cố biển miền Trung là chắc chắn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ở mỗi tỉnh là khác nhau.
Cụ thể, đối với Hà Tĩnh, sự cố môi trường đã ảnh hưởng tới 22.780 hộ gia đình và 65 xã. Tổng cộng có 24.449 người mất việc và không có việc làm ổn định.
Trong đó, trực tiếp trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản là 14.770 nghìn người. Số lượng người thất nghiệp trong ngành kinh doanh thủy sản tăng là 5.736 người, ngành dịch vụ hậu cần tăng 1.015 người, ngành nuôi trồng thủy sản tăng thêm 823 người.
Ngoài ra, trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn nhà hàng, số người thất nghiệp tăng lên 692, còn trong lĩnh vực sản xuất muối là 428 người.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Quảng Bình đã tăng 1,1% sau sự cố môi trường. Thừa Thiên Huế thì có khoảng 30.376 người bị ảnh hưởng trực tiếp vì tình trạng cá chết.
Còn tại Quảng Trị, ảnh hưởng của sự cố này nhẹ bởi một bộ phận lực lượng lao động đã chuyển hướng đi xuất khẩu lao động. Tại Đà Nẵng, có ảnh hưởng nhưng cũng không nhiều.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, để khắc phục số lượng lao động thất nghiệp lớn, Hà Tĩnh có giải pháp xuất khẩu lao động thay thế. Tính đến 30/8 cũng đã giải quyết được nhiều lao động xuất khẩu ra nước ngoài. Dự kiến thời gian tới sẽ có đến 17.000 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu sang Hàn Quốc.
“Nhờ vậy, số người thất nghiệp cũng được giải quyết phần nào. Nhìn chung, sự cố biển miền Trung nói trên chắc chắn ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp, tới số lao động thiếu việc làm. Song con số 40 nghìn người thất nghiệp còn do một lực lượng sinh viên mới ra trường chưa tìm được việc làm…”, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi sự cố Formosa ảnh hưởng như thế nào tới GDP, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: “Chúng tôi đã có những đánh giá về tác động của sự cố Formosa tại từng tỉnh chịu ảnh hưởng. Chủ yếu là tác động đến ngành thủy sản”.
Cụ thể, theo ông Lâm, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng nên sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.
Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của Hà Tĩnh giảm 3,66 nghìn tấn (giảm 14,4%); Quảng Bình giảm 6,0 nghìn tấn (giảm 13,4%); Quảng Trị giảm 4,8 nghìn tấn (giảm 27,1%); Thừa Thiên – Huế giảm 7,2 nghìn tấn (giảm 23,9%).
“Khai thác thủy sản 4 tỉnh này mặc dù không phải quá lớn song cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ này cũng như toàn nền kinh tế”, ông Lâm cho hay.
MẠNH NGUYỄN