Chăm sóc, điều trị cho đối tượng điều trị tại Trung tâm. |
Góc khuất
Trung tâm cai nghiện là nơi ở luân phiên của những đối tượng đặc thù trong xã hội, đó là học viên cai nghiện và bệnh nhân tâm thần. Có những đối tượng chỉ đến ít tháng rồi đi nhưng cũng có người có lẽ sẽ ở đến hết phần đời còn lại của mình. Dẫu đến rồi đi hay ở lại thì cuộc đời của họ đều có những mảng sáng - tối xen lẫn.
Trung tâm cai nghiện Hà Tĩnh hiện đang có 127 đối tượng, trong đó có 71 học viên cai nghiện và 56 đối tượng tâm thần. Đây cũng là trung tâm duy nhất trên cả nước vừa có chức năng giáo dục học viên cai nghiện, vừa chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân tâm thần.
Đến Trung tâm nghiện vào một ngày hè nóng rát, tiếp xúc trực tiếp với những đối tượng đặc biệt ở đây chúng tôi mới hiểu được phần nào về những “góc khuất” của xã hội. Đúng lúc những học viên cai nghiện lao động trở về, ai nấy mồ hôi nhễ nhãi. Những học viên này đã qua quá trình trị liệu, cắt cơn và được chăm sóc, ăn uống đảm bảo nên người đã “có da, có thịt” hơn so với lúc mới vào rất nhiều. Dấu vết của “hàng trắng” không còn nhưng những vết xăm trổ trên người những thanh niên trai tráng này vẫn hằn in, đó cũng là những vết trượt dài trong cuộc sống trác táng trước đây.
Trò chuyện với chúng tôi, N.V.T. (SN 1990, ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) ngại ngùng chia sẻ, T. dính vào ma túy khi đang làm công nhân đóng tàu tại TP. Hải Phòng, cuộc đời T. trượt dài theo những chuyến “bay”, “lắc”, “đập đá” ở thành phố hoa lệ đó...Sa vào con đường nghiện ngập, T. nhanh chóng đánh mất công việc phải trở về quê. Đầu năm 2016, T. được chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện. Sau 1 năm, T. trở về tái hòa nhập cộng đồng nhưng do thiếu bản lĩnh, bị bạn bè lôi kéo, chỉ sau 2 tháng, T. tái nghiện và phải quay lại để “chiến đấu”. “Sau khi “nhởi” lại (tái nghiện - PV), em đã rất ân hận… Em vào đây là lần thứ 2 nên không còn lạ lẫm, lại được các thầy, cô giúp đỡ tận tình nên đến nay đã cắt cơn. Lần này, em quyết tâm cai nghiện thành công và không tái nghiện nữa”- T. thể hiện quyết tâm.
Còn T.V.H. (SN 1985, ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là một trong số ít đến Trung tâm cai nghiện theo diện tự nguyện. H. tâm sự: “Khi tái nghiện, bản thân tôi rơi vào ngõ cụt, thân tàn ma dại và tôi đã tự mình bắt xe ôm vào trung tâm. Trong lúc tôi đang lên cơn nghiện, chân tay run lẩy bẩy đứng trước cửa trung tâm, cán bộ nơi đây đã dang rộng vòng tay đón nhận”.
Cách mấy tòa nhà kín cổng cao tường, dày đặc dây thép gai của học viên cai nghiện là những tòa nhà dành cho đối tượng tâm thần. Đối với học viên cai nghiện, 71 đối tượng nhưng chỉ ở 1 tòa nhà với 16 phòng nhưng đối tượng tâm thần thì khác, 56 đối tượng nhưng phải ở 3 tòa nhà với 40 phòng ở. Học viên cai nghiện chỉ ở một thời gian sau đó tái hòa nhập cộng đồng nhưng đối tượng tâm thần thì hầu hết đều phải “định cư” ở đây. Bởi, đối tượng tâm thần khi được đưa vào Trung tâm đều thuộc thể nặng, chỉ giảm được phần nào bệnh tật chứ không thể chữa khỏi. Mặt khác, hầu hết các đối tượng tâm thần đều lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa hoặc phải bảo vệ khẩn cấp.
Điều trị, giáo dục học viên cai nghiện khó 1 thì chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần khó 10. Đối với học viên cai nghiện có liệu trình, phương pháp cụ thể, sau quảng thời gian cắt cơn khổ sở, các học viên lấy lại được tinh thần, không rơi vào ảo giác, hoảng loạn nữa nên cải huấn được. Nhưng chăm sóc, trị liệu cho đối tượng tâm thần đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, chịu khó, nhịn nhường. Là nơi dành cho đối tượng xã hội đặc biệt nên những ai sống, làm việc, quản lý ở đây là những người thực sự bản lĩnh, tâm huyết và có kỹ năng.
Người đặc biệt mới sống được ở nơi đặc biệt
Nhắc đến việc quản lý, giáo dục, trị liệu cho đối tượng cai nghiện và bệnh nhân tâm thần hẳn mọi người đều mường tượng ra được nỗi vất vả, khó khăn, nguy hiểm của những cán bộ ở đây. Tôi gọi họ là những người “gác cổng” đặc biệt.
Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Văn Sỹ, cho biết: Trung tâm hiện có 27 cán bộ, nhân viên, trong đó chỉ có 9 biên chế, còn lại là nhân viên hợp đồng và chủ yếu là nam. Trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động năm 2013, từ khi ông xung phong về làm quản lý ở đây đến nay đã có 6 cán bộ không chịu được áp lực công việc đã phải xin ra khỏi cơ quan, tất cả đều đã được vào biên chế.
Theo ông Sỹ, việc trị liệu cho học viên sử dụng ma túy đá gặp rất nhiều khó khăn do thời gian hồi phục kéo dài, học viên sử dụng dạng ma túy khác chỉ 8 đến 10 ngày là cắt cơn, giải độc xong nhưng học viên sử dụng ma túy đá, theo quy định chỉ 20 ngày nhưng thực chất thì kéo dài đến 3 tháng. Mặt khác, các học viên sử dụng ma túy đá luôn có biểu hiện ảo giác, loạn thần, mất tự chủ hành vi nên cán bộ trị liệu, quản lý luôn phải trong tư thế chủ động phòng thủ và phải tự trang bị kỹ năng phòng vệ cho mình để bảo đảm an toàn tính mạng.
Cổng phụ trống hoác của Trung tâm. |
Là người vào làm tại Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Văn Quế (SN 1977, cán bộ bệnh xá) đã phải trải qua những giai đoạn cực kỳ gian nan. Cũng như những cán bộ khác, 3 ngày 3 đêm túc trực ở bệnh xá anh Quế mới được về nhà nghỉ 1 đêm. Nhưng vì nhà gần trung tâm nên hễ có động anh Quế liền tức tốc chạy xe vào hỗ trợ.
“Anh em chúng tôi làm việc ở đây đều đa năng, vừa phải biết về nghề y, vừa là bảo vệ, lại vừa là người giúp việc. Mỗi khi học viên cai nghiện bị ảo giác hoặc đối tượng tâm thần lên cơn thì nguy hiểm luôn cận kề chúng tôi. Sứt đầu, mẻ trán là chuyện thường tình. Nguy hiểm nhất là một số học viên, đối tượng mang bệnh lây nhiễm vào trung tâm, trong đó có cả HIV. Vì thế chúng tôi vừa phải giáo dục, tuyên truyền cho đối tượng, vừa phải biết cách phòng ngừa cho mình để không ảnh hưởng đến vợ, con, gia đình”, anh Quế lo ngại.
Còn chị Trần Thị Thu Hà được tuyển dụng vào làm cán bộ hành chính nhưng công việc hành chính chỉ chiếm 1/3 thời gian, chủ yếu là phải chăm sóc, giáo dục cho học viên cai nghiện và các đối tượng tâm thần.
“Mỗi người ở đây đều phụ trách 3 đến 4 phần việc chứ không phải mỗi 1 việc chuyên môn. 4h sáng phải chuẩn bị thức ăn đưa đến tận nơi cho đối tượng, sau đó là hàng loạt những việc không tên. Mỗi người phải làm việc 3 ngày 3 đêm sau đó mới được nghỉ 1 đêm. Công việc cực kỳ áp lực, chăm sóc, vệ sinh cho đối tượng tâm thần là việc làm hàng ngày của anh chị em nhân viên chúng tôi. Làm ở đây thì không được sao nhãng việc gì”- chị Hà chia sẻ.
Mỗi đối tượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ở Trung tâm cai nghiện được hỗ trợ 30 nghìn đồng tiền ăn mỗi ngày, với chế độ này, không đủ nhu cầu cho đối tượng vì thế Trung tâm phải tăng gia sản xuất để vừa bổ sung suất ăn cho đối tượng, vừa để giáo dục hành vi, định hướng nghề nghiệp cho học viên.
Trung tâm đã xây dựng phương án gắn giáo dục lý thuyết với thực tiễn lao động sản xuất. Học viên được phân nhóm theo tình trạng sức khỏe, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ quản lý giúp các em rèn luyện nâng cao thể trạng sức khỏe, đồng thời tự học tập nghề nghiệp như xây dựng, chăn nuôi lợn, gà, trồng rau màu…gắn với xây dựng phát triển nông thôn mới. Dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ quản lý, các học viên được trang bị các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp để chuẩn bị tâm thế tái hòa nhập cộng đồng.
Đối với đối tượng tâm thần được bố trí tham gia các hoạt động lao động nhẹ nhàng như vệ sinh tại các khu nhà ở, nhổ cỏ, chăm sóc hệ thống cây xanh, trồng các lọa rau sạch…những việc làm này giúp các đối tượng dần phục hồi hành vi và trở thành người có ích cho xã hội. 5 năm qua, hàng nghìn học viên, đối tượng đã được trung tâm điều trị, giáo dục, tái hòa nhập thành công.
Đó không chỉ là con số lạnh lùng, mà còn là những gì lớn lao hơn rất nhiều.
Nhìn bề ngoài, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Hà Tĩnh trông rất bề thế, rộng rãi nhưng thực chất nơi đây còn nhiều bất cập khiến những người làm công tác quản lý luôn thấy bất an, lo lắng. Hệ thống hàng rào chỉ xây dựng phía trước còn 3 phía sau thì rỗng toác, một số đoạn được đổ cột bê tông rồi để trống, rất lãng phí. Ngay như cổng phụ cũng không có cảnh cửa. Điều này càng tạo thêm áp lực cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Thực tế tại trung tâm, trang thiết bị đầu tư quá ít, mới chỉ đáp ứng được một phần y tế khám điều trị, ăn, ở, sinh hoạt cho khoảng 1/2 so với nhu cầu. | |
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết