Phóng sự - Ký sự

Sống dở chết dở tại mỏ sắt lớn nhất ĐNA – Bài 6: 'Nhìn thẳng sự thật' ở mỏ sắt lớn nhất ĐNA

Rất nhiều vấn đề bức xúc, bức bách đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan đơn vị liên quan nói ra trong buổi làm việc với Công ty CP sắt Thạch Khê. Tuy nhiên, câu hỏi lớn được quan tâm nhất về tiến độ, lộ trình của dự án thì bản thân người đứng đầu DN này cũng chẳng thể trả lời được.


Trước những bức xúc lâu nay xung quanh dự án mỏ sắt Thạch Khê, đầu tháng 11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Thạch Hà, BQL khu vực mỏ sắt đã có buổi làm việc với Cty CP sắt Thạch Khê (TIC), trong đó có sự tham gia của ông Phùng Mạnh Đắc – Phó TGĐ Tập đoàn Than khoáng sản VN, Chủ tịch HĐQT TIC.


Phải nhìn thẳng vào sự thật


Bắt đầu cuộc họp, ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói: Chúng ta cần phải nhìn vào những vấn đề chưa được trong công tác triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê. Đây là một dự án lớn, các đồng chí ở TIC đã có rất nhiều cố gắng, có một số vấn đề chúng ta chưa làm được.

Cuộc họp “nóng” giữa UBND tỉnh, UBND huyện Thạch Hà, Ban QLDA Thạch Khê với Cty CP Sắt Thạch Khê đầu tháng 11. Rất nhiều vấn đề bức bách đã được đưa ra thảo luận – Ảnh: Duy Tuấn


“Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri với người dân ở Thạch Hà, đã có rất nhiều ý kiến. Những xã nằm trong quy hoạch, di dời GPMB theo quy hoạch của tỉnh và Chính phủ phê duyệt rồi thì những chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình 167, “Nông thôn mới”… thì người dân ở đây không được hưởng, so với nhân dân các địa bàn khác thì họ rất thiệt thòi”, ông Nhật nói.


19 tiêu chí và 5 nhóm giải pháp thì không thể triển khai được ở các xã này. Trong rất nhiều thời gian, kể từ khi triển khai khai thác mỏ sắt thì các xã này không được xây dựng tất cả các công trình phục vụ dân sinh, đó là trường học, bệnh xá, trụ sở làm việc, đường… đều bị dừng nên phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn này đều rất khó khăn.


Một thực tế phải ghi nhân, kể từ sau khi thông báo quy hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê, không có gia đình nào xây dựng trái phép để chờ đền bù, ý thức của người dân trong việc chấp hành rất cao.

Xóm 1, xã Thạch Đỉnh, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của dự án mỏ sắt đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dự án đã rất đồng thuận khi dự án vào. Nhưng đến nay, sự chịu đựng của họ cũng đã gần như quá sức. Ảnh: Duy Tuấn.

Một vấn đề rất bức xúc lâu nay đối với người dân khu vực mỏ sắt là tình trạng các công trình tái định cư, có cái mới được 50%, có cái 80, hơn 90%, nhân dân muốn di dời ra để bàn giao lại cho đơn vị khai thác.


“Thế nhưng các đồng chí cũng không hoàn chỉnh được. Đề nghị TIC phải xem xét lại lộ trình GPMB, lộ trình di dân và tái định cư khi nào làm xong để chúng tôi trả lời dân, để còn biết mà lo cho dân. Thứ 2, trong 4 khu tái định cư thì những khi đạt được khoảng 90% thì lúc nào hoàn thành để bàn giao cho dân. Chứ nếu không làm được thì sau này rất khó khăn.


Thông báo 164 của Thủ tướng Chính phủ, có 4 điểm, đã nói rõ rồi, Cty TIC phải trả lời cái gì làm được, không làm được, phải nói rõ, nhất là vấn đề tái cơ cấu”, ông Nhật nói..


“Không thể bắt người dân kéo dài mãi đau khổ này”


Ông Đỗ Khoa Văn – Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn trong buổi làm việc quan trọng này.


“Hiện nay người dân ở đây đang rất khổ, chúng tôi đã làm tuyên truyền nhiều, nhưng đến bây giờ, không chỉ là mới 4 năm, mà kể từ khi có quy hoạch mỏ sắt Thạch Khê, tức là đã 8 năm. Đặc biệt là từ khi khai thác đến nay.


Sau khi có thông báo 164 về việc tạm dừng thi công và đơn vị Than cọc 6 rút về đã làm có sự hoài nghi về dự án này.


Người dân chịu đựng cái khổ trong thời hạn nhất định để rồi có được tương lai tốt đẹp, nhưng giờ mất phương hướng. Bản thân chúng tôi là lãnh đạo huyện cũng không thể trả lời cho dân khi người dân thắc mắc”, ông Văn bức xúc.


Vị chủ tịch huyện nói tiếp: Chúng ta phải nhìn vào sự thật là chúng ta đã rất có lỗi với dân, không thể bắt họ kéo dài đau khổ này mãi khi không có phương hướng bởi vì không có thông tin gì cả.


Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, cùng với các thành viên Cty TIC trả lời dứt khoát: Về tiến độ thực hiện dự án như thế nào? Tình hình tài chính của Cty như thế nào? Quyết tâm của chúng ta như thế nào?


Tiền để trả cho dân để người ta di dời, tiền để hoàn thành các khu tái định cư chúng ta không có thì liệu với số tiền lớn như vậy để khai thác, chúng ta có không, nhất là trong bối cảnh khó khăn như thế này?.

Nỗi đau khi lăng mộ bị vùi lấp, không tìm thấy của người dân Thạch Hải. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Văn liên tục đưa ra những câu hỏi: Tiến độ của chúng ta như thế nào? Chúng ta khi nào làm, tiến độ GPMB, di dân tái định cư thế nào? Bởi vì cho đến nay chúng ta mới có, theo như kế hoạch được phê duyệt thì đến 2013, chúng ta phải hoàn thành công tác di dân tái định cư nhưng không thực hiện được”.


“Tạm thời chúng ta phải có thông tin chính thức về dự án để trả lời cho chính quyền địa phương để chúng tôi có thể trả lời cho dân. Trước mắt tôi đề nghị cấp đủ tiền để trả cho số đã tiến hành kiểm đếm.


Công sức của kiểm đếm, xác định cho được nguồn gốc đất đai khu vực lớn như thế này là không hề đơn giản, có khi hàng năm trời chưa xong. Nếu giờ không có tiền thì sang năm sẽ rất khó khăn, giá cả thay đổi. Người dân rất cần tiền để đi, ở đây họ khổ lắm rồi, nhất là các hộ ở sát mong mỏ, bãi thải và các hộ tái định cư.


Chưa nói 4 dự án chưa triển khai, những dự án khu tái định cư này chưa có cái nào hoàn thành, rồi còn không đồng bộ nữa. Đến nay chúng ta chưa có khu nào để giao cho dân vì cũng đang dang dở, nhà thầu không có tiền họ không làm”.


Duy Tuấn (ghi)

VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP