Làng đại thọ
Đầu Xuân Giáp Ngọ, xông đất xã Sơn Lộc chúng tôi được cụ Trương Hữu Việt đưa đến thăm cụ Thân Thị Hồng, người mà dân làng thường gọi là cụ cố Hồng. Năm nay cụ Hồng bước sang tuổi thứ 111, đôi mắt thấy mờ mờ nhưng đôi tai còn rất thính. Đang ăn cơm trưa trong phòng riêng, nhưng nghe tiếng có khách đến nhà cụ bỏ bát cơm xuống mâm rồi tự mình vệ sinh rồi chống chiếc gậy ra thềm đón khách. Người con trai cả của cụ cố Hồng là ông Thân Văn Tiến (1945) cho biết: “Mấy hôm nay trời lạnh nên vợ chồng tôi khuyên cụ không nên đi ra ngoài, chứ bình thường ngày hai lần cụ ra sân tập thể dục đều đặn. Hơn một năm về trước, cụ còn đi lại nhanh nhẹn lắm, ngày kỷ niệm Hội NCT xã tổ chức dù đã bước sang tuổi 110, cụ còn phát biểu, đọc thơ”.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, cụ Hồng rất minh mẫn, cầm tay cụ hỏi thăm sức khỏe và hỏi về công việc, gia đình từng người. Kể về chuyện thời trẻ, cụ Hồng cho hay cụ sinh ra ở làng và lớn lên bằng nghề làm ruộng. Đất nước chiến tranh, cụ tham gia thanh niên xung phong san đường, tải đạn ở khu vực bom đạn ác liệt như Ngã ba Đồng Lộc, Khe Dao, đường 12… rồi lấy chồng, sinh con từ năm 21 tuổi. Cuộc sống hai vợ chồng nghề chính là làm ruộng, chăn nuôi, những dịp xong mùa màng là vợ chồng khăn gói đi bè hàng tháng trời, vào rừng lấy cây mây, củi về bán… Chồng cụ mất ở tuổi ngoài 70 còn cụ vẫn sống và sống khỏe hàng ngày bày dạy, chăm sóc con cháu cho đến ngày hôm nay.
Chia tay nhà cụ Hồng, cụ Việt dẫn chúng tôi đến nhà cụ bà Phan Thị Từ (104 tuổi) ở thôn Chi Lê. Sức khỏe của cụ Từ năm nay đã yếu đi nhiều, đầu năm 2012 cụ Từ bị tai biến phải nằm liệt giường nhưng được các con chăm sóc tận tình chu đáo nên da dẻ cụ vẫn hồng hào.
Đầu xuân (mồng 3 Tết) con cháu, dòng họ tại Sơn Lộc tổ chức mừng thọ, chúc các cụ cao tuổi sống khỏe. |
Bí quyết trường thọ
Khi được hỏi về bí quyết sống lâu của người dân ở đây, cụ Việt cho biết: “Chưa có cơ sở khoa học nào kết luận về chuyện sống thọ ở địa phương, nhưng một thực tế đa số các cụ là nông dân gắn bó với đồng ruộng hăng say lao động, cuộc sống rất thanh thản, lạc quan yêu đời”.
Theo cụ Nguyễn Thị Tưởng (80 tuổi) thì bí quyết sống lâu của cụ là “không nóng giận và càng về già, càng phải tập thể dục đều đặn, chớ có nằm lâu, ăn uống vừa phải”.
Không chỉ vậy, theo lời các cụ cao niên trong xã sở dĩ ở xã Sơn Lộc có nhiều người thọ đến vậy là do ở đây quanh năm mát mẻ, người dân yêu thương đùm bọc nhau, môi trường sống luôn thanh bình. Xã Sơn Lộc nằm lọt giữa vùng trũng dãy núi Hồng có nguồn nước mạch ngọt mát, đất đai màu mỡ… vì vậy cây cối tươi tốt, không khí trong lành, người dân biết giữ gìn cây xanh như của quý của làng.
Thực đơn chủ yếu của người dân nơi đây là cá đồng, heo, gà tự nuôi và mỗi bữa ăn dù gia đình giàu hay nghèo trên bàn ăn không thiếu món canh, rau được trồng ở vườn nhà.
Theo thống kê, 95% số hộ dân trong xã nhà nào cũng trồng được rau xanh, rau sạch để dùng. Tất cả gia đình trong xã đều có công trình đảm bảo vệ sinh, giếng sạch, nước sạch, các xóm đều có hội quán, có sân chơi, bãi tập dưỡng sinh cho các cụ cao niên.
Xã Sơn Lộc tuy không phải là xã giàu, nhưng đa số con, cháu đều được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt, đây cũng là một nguồn động viên tinh thần rất lớn.
Một lãnh đạo xã cho biết, đời sống của người dân Sơn Lộc công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, vườn cây trái… Chính việc chăm chỉ với đồng ruộng, cộng với không khí trong lành của không gian miệt vườn bốn mùa xanh lá, cuộc sống đạm bạc… là một trong những yếu tố giúp người dân vùng quê này trở thành “làng trường thọ”.
Văn Tuân/CADN