Trong nước

Sớm chấm dứt tình trạng buôn bán, chuyển nhượng mỏ khoáng sản

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 11 huyện, thị để nghe Quy hoạch điều chỉnh bổ sung phân vùng khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, vào sáng 23/9.

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ.


Nhìn chung, trong 5 năm hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, việc cấp giấy phép khoáng sản làm VLXD thông thường được tiến hành cơ bản phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt và theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các mỏ được cấp phép đáp ứng đủ nguồn vật liệu để thi công các công trình dự án, đặc biệt là các công trình dự án trọng điểm; Góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho 3.500 lao động (đóng nộp ngân sách năm 2010: 50,6 tỷ đồng và năm 2011 là 56,9 tỷ đồng).


Tại cuộc họp, các huyện, thị xã đã đóng góp nhiều ý kiến đánh giá, phân tích thực tiễn nhu cầu sử dụng VLXD, thực trạng của một số mỏ khoáng sản trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó đòi hỏi việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng với nhu cầu hiện tại là hết sức cấp bách.


Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2007-2015 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 203 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Trong đó, đá xây dựng cấp 128 giấy phép, sét gạch ngói 12 giấy phép, đất san lấp 57 giấy phép, cát sỏi 7 giấy phép phân bố trên địa bàn 11 huyện, thị xã.


(Nguồn: Sở TN&MT)



Để Quy hoạch điều chỉnh bổ sung phân vùng khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Nâng cao hơn nữa năng lực của đơn vị tư vấn; việc quy hoạch phải theo hướng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, đất đai, không được trái với các quy hoạch phát triển xã hội của tỉnh; có phương án khai thác, tận dụng tối đa được tiềm năng lợi thế của tỉnh; bám sát các quy hoạch QPAN, phát triển du lịch, phát triển toàn diện kinh tế xã hội; công tác quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải được thực hiện bài bản, hiệu quả .


Thông qua quy hoạch bắt đầu hoạch định các cụm công nghiệp chế biến VLXD theo từng vùng. Các huyện, thị xã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với sở ngành, đơn vị tư vấn, tăng cường siết chặt, quản lý tài nghuyên khoáng sản. Sở Tài nguyên & Môi trường kiên quyết xử lý các vi phạm trong việc khai thác khoáng sản, tạm thời dừng việc cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản; tăng cường thanh, kiểm tra để sớm chấm sứt tình trạng buôn bán, chuyển nhượng mỏ từ các doanh nghiệp nhằm trục lợi. Các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh việc hoàn thành việc bổ sung quy hoạch sớm trình lên kỳ họp HĐND tỉnh tiếp theo.


Thế Công

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP