Nhân ái

Số phận nghiệt ngã của thiếu phụ người Ê Đê bị biến dạng do bỏng xăng

Bị bỏng nặng trong lúc nấu ăn, thiếu phụ người dân tộc Ê Đê phải chịu đựng nỗi đau, sự dày vò về cả thể xác, lẫn tinh thần. Tột cùng của nỗi đau ấy chính là thái độ ruồng rẫy, thường xuyên chửi mắng của người chồng và sự xa lánh của những đứa con khi gương mặt, thân hình của cô bị biến dạng nặng.

Giữa khoảng đất um tùm cỏ dại tại buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông là căn chòi gỗ được quay tạm bằng gỗ và mấy miếng tôn rách của H’Tô Niê (SN 1996). Căn nhà rung lên bần bật mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, nên có lẽ nó sẽ chẳng trụ vững được đến hết mùa mưa năm nay. Lo sợ căn nhà ấy có thể sập bất cứ lúc nào, H’Tô đành phải đưa hai đứa con sang nhà mẹ đẻ cách đó gần chục km để tá túc.

Ngôi nhà tình thương rộng khoảng 40 m2 do địa phương xây tặng cho bà H’Nư (mẹ đẻ của H’Tô) bây giờ là nơi sống chen chúc của hơn chục người. Căn phòng duy nhất có giường được gia đình nhường lại cho H’Tô để cô nằm điều trị bệnh, đến đêm những thành viên khác trong nhà nằm xếp dài trên nền đất để ngủ.

Vụ tai nạn khiến H’Tô bị bỏng nặng phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện

Hai đứa con nhỏ hàng ngày cứ quanh quẩn bên chỗ mẹ, nhưng thuyết phục mãi mới dám đến gần bởi chúng vẫn chưa quen với vẻ bề ngoài của mẹ. Cũng từ ngày trở về từ bệnh viện với hình hài kỳ dị, người mẹ trẻ sống khép mình hơn, hàng ngày chỉ thu mình trong bốn bức tường mà không dám ra ngoài, ngại giáp mặt với người khác.

Kể lại buổi sáng đau đớn ấy, giọng H’Tô lại run run, sợ hãi: “Sáng ngày 26/6/2017, em dậy sớm để nấu cơm mang đi rẫy. Nhưng do củi khô, lửa cháy bùng lên dữ dội, bén sang cả bình xăng mà hàng ngày em vẫn mang đi phát cỏ khiến chiếc bình này phát nổ. Xăng văng tung tóe, bắn cả lên quần áo, mặt mũi của em làm lửa bao trùm cả người và căn bếp. Em chỉ kịp lao ra ngoài sân, kêu mọi người đến giúp đỡ”

Trở về từ bệnh viện, cô mang hình hài kỳ dị, bị biến dạng với chằng chịt vết sẹo

May nắm cho H’Tô, có một người hàng xóm nhìn thấy liền chạy đến dập ngọn lửa đang bủa vây khắp cơ thể cô, rồi báo cho gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Gần hai tháng nằm điều trị từ bệnh viện huyện đến Bệnh viện Chợ Rẫy, H’Tô không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu đau đớn mà hàng ngày cô phải chống chọi.

“Đó là lần đầu tiên trong đời em phải trải qua những đau đớn như vậy. Những ngày bị bỏng, em đau quá, đau đến không còn biết gì nữa. Sau khi được các bác sĩ chăm sóc, điều trị bằng thuốc em có đỡ hơn, nhưng vẫn còn đau lắm. Có những hôm em chỉ muốn chết đi vì tưởng rằng nỗi đau thể xác đã quá sức chịu đựng của em”, H’Tô kể lại.

Hàng ngày chỉ thu mình trong bốn bức tường mà không dám ra ngoài

Do bị bỏng nặng, trong đó phần cổ và tay bị bỏng sâu nên khi nằm ở Khoa bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, H’Tô phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau liều cao. Sau khi qua cơn nguy kịch, cô được lấy phần da ở chân để ghép da tay và cổ.

Nhìn gương mặt biến dạng, toàn thân đầy những vết bỏng, đôi bàn tay co quắp với 10 ngón không còn nguyên vẹn của con gái, bà H’Nư tâm sự: “Ngày trước nó xinh xắn lắm chỉ vì một phút bất cẩn mà ra nông nỗi này. Gần hai tháng nằm viện nên toàn bộ số tiền hai vợ chồng tích góp dự định xây nhà cũng hết sạch. Bây giờ cả nhà không có lấy một đồng trong túi để mua gạo, phải sang ở nhờ nhà tôi”.

Tuy nhiên, nhà mẹ đẻ cũng nghèo khó nên không thể giúp đỡ H’Tô điều trị tiếp

Ngày H’Tô xuất viện trở về, cô mất hoàn toàn khả năng lao động, mọi nỗ lực phẫu thuật ghép da chỉ nhằm phục hồi những vùng chức năng cơ bản nên cơ thể cô vẫn biến dạng với hàng chục vết sẹo lồi lõm trên người. Hai đứa con, một đứa lên 4, một đứa chưa tròn 2 tuổi nhìn thấy hình hài của mẹ mà rùng mình, khóc thét không chịu nhận.

“Hai cháu còn nhỏ, chưa hiểu hết việc nên khi mẹ nó xuất viện trở về, không đứa nào chịu nhận mẹ, càng không cho mẹ gần gũi. Thương con, nó chỉ biết tránh mặt để hai đứa trẻ không sợ hãi. Có hôm, nhớ con quá mà thấy hai đứa con run sợ, con bé chỉ biết gục mặt vào tường khóc nức nở. Phải mất một tháng sau, khi đã nhận ra giọng mẹ, quen với hình dạng hiện giờ, con bé mới được ôm hai đứa con vào lòng”, bà H’Nư xúc động chia sẻ.

Phải mất một tháng quen với hình dạng của mẹ, hai đứa trẻ mới dám gần gũi mẹ

Tuy nhiên, điều đau đớn nhất của người mẹ trẻ này chính là thái độ của người chồng. Gần 2 tháng nằm viện, tiền bạc của cải trong nhà đều đổ dồn vào chữa trị cho vợ nên Y Ciên Niê (chồng H’Tô) thường xuyên bực tức, gắt gỏng, buông lời chì chiết với vợ mình. Một tuần sau khi H’Tô từ viện trở về, anh này tuyên bố bỏ đi vì không đủ sức để chăm sóc vợ.

H’Tô nghẹn ngào: “Tôi cũng không trách anh ấy, dù sao cũng vì tôi mà anh ấy phải vất vả. Nhưng lúc nào tôi cũng mong, anh ấy vì hai đứa con thơ mà ở lại, dù có mắng chửi thế nào tôi cũng chấp nhận”.

Rời nhà H’Tô, điều khiến chúng tôi xót xa nhất là tiếng gọi yếu ớt của H’Tô gọi con trai mình lại gần. Thằng bé dường như vẫn còn e ngại trước hình hài hiện tại của mẹ nên nửa muốn lại gần, nửa muốn chạy đi.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2712: Chị H’Tô Li Niê (buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông)

Hoặc bà H’Nư Niê (mẹ đẻ chị H’Tô; gia đình không có điện thoại)

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP