Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ vừa qua, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu thầu qua mạng gói thầu “Mua sắm lễ thắp hương thờ cúng Liệt sĩ”. Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng ở Thái Bình (Công ty Bảo Hưng) đã trúng thầu với giá 4.754.821.400 đồng, giảm 2,4 triệu đồng so với giá gói thầu được phê duyệt.
Đây không phải lần đầu tiên công ty Bảo Hưng tham gia đấu thầu và trúng thầu gói mua sắm lễ thắp hương liệt sĩ tại Hà Tĩnh, do Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh cũng đấu thầu gói thầu tương tự, với giá mời thầu là 4.753.200.000 đồng. Công ty Bảo Hưng đã tham gia và trúng thầu, với giá trúng thầu không giảm so với giá mời thầu.
Bánh kẹo công ty Bảo Hưng trúng thầu cung cấp. |
Điều này, khiến dư luận đặt ra câu hỏi về năng lực của các doanh nghiệp khác trong việc tham gia đấu thầu mua sắm lễ thắp hương liệt sĩ. Vì sao không tham gia đấu thầu? Vì sao Công ty Bảo Hưng luôn trúng thầu với giá bỏ thầu bằng giá mời thầu, nếu thấp hơn cũng chỉ 2-3 triệu, dẫu gói thầu có giá nhiều tỷ đồng?
Để trả lời câu hỏi này, PV báo Bảo vệ pháp luật đã tìm đến các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, cung cấp bánh kẹo trên địa bàn Hà Tĩnh – Nghệ An. Gần như nhận được chung một câu trả lời: Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra tiêu chí về năng lực nhà thầu tham gia quá cao, quy định mặt hàng bánh kẹo quá “đặc thù”, khiến cho các doanh nghiệp đủ tiềm lực về tài chính, đủ năng lực về cung cấp bánh kẹo ở địa phương có tham gia đấu thầu cũng bị loại từ vòng “gửi xe”.
Quy định về năng lực, kinh nghiệm dành cho các nhà thầu quá cao, khiến hầu hết các doanh nghiệp khó có năng lực tham gia đấu thầu. |
Giám đốc một doanh nghiệp bánh kẹo ở Hà Tĩnh (đề nghị dấu tên) cung cấp cho PV một bộ hồ sơ mời thầu gói thầu “Mua lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ” vừa qua và cho biết:
“Họ (Sở LĐ-TB-XH) quy định tiêu chí năng lực và kinh nghiệm cho các nhà thầu quá cao, gần như là những tiêu chí năng lực dành cho công ty Bảo Hưng, để cho mỗi công ty Bảo Hưng đủ điều kiện tham gia và trúng thầu” – Vị giám đốc này nói.
Theo giám đốc doanh nghiệp này phân tích, tại mục 3 “Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự” trong hồ sơ mời thầu, yêu cầu nhà thầu muốn tham gia đấu thầu gói thầu này, trong vòng 3 năm trở lại đây phải có “tối thiểu 5 hợp đồng cung cấp quà tặng bánh kẹo cho các cơ quan nhà nước tương tự gói thầu, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu 3,330 tỷ đồng”, hoặc ít hơn 5 hợp đồng, “thì tổng giá trị tất cả các hợp đồng phải đạt tối thiểu là 16,650 tỷ đồng”.
“Quy định năng lực như vậy gần như là điều kiện “bất khả thi” cho những doanh nghiệp khác muốn tham gia. Vì “đề bài” đặt ra là phải có ít nhất 5 hợp đồng cung cấp bánh kẹo cho các cơ quan Nhà nước. Mà như chú biết đấy, để có 1 hợp đồng cung cấp bánh kẹo 3 – 4 tỷ cho các cơ quan Nhà nước là rất khó, chỉ có Sở LĐ-TB-XH mỗi dịp lễ, Tết làm lễ thắp hương hàng vạn liệt sĩ, làm quà tặng thân nhân liệt sĩ mới làm. Mà công ty Bảo Hưng làm nhiều từ trước rồi, có đâu đến lượt doanh nghiệp khác làm nữa” – Giám đốc này phân tích.
Dịp Tết nguyên đán 2019, Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh đã đưa ra quy định doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu phải từng thực hiện 1 hợp đồng trên địa bàn Hà Tĩnh, giá trị trên 3,3 tỷ đồng. |
“Điển hình dịp Tết nguyên đán vừa qua, họ cũng tổ chức đấu thầu, cũng yêu cầu năng lực tương tự, chúng tôi muốn tham gia cũng chịu, nhất là dịp đó, họ còn quy định phải có 1 hợp đồng tương tự thực hiện tại Hà Tĩnh. Như vậy gần như chỉ có công ty Bảo Hưng đủ điều kiện thôi” – Giám đốc này nói.
Theo tìm hiểu của PV, trong hồ sơ mời thầu dịp 27/7 vừa qua, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh không chỉ đặt ra tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm quá cao, làm khó các doanh nghiệp cung cấp bánh kẹo khác, mà ngay cả quy định về “Danh mục hàng hóa”, cũng đặt ra các quy định đặc thù, nêu rõ chủng loại đặc trưng của bánh kẹo, mà nếu tìm trên thị trường, cũng khó có.
Đó là, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh đã quy định các nhà thầu cung cấp 23.786 phần lễ, mỗi phần lễ phải có 4 loại bánh kẹo đặc trưng, gồm: Bánh quy bơ tổng hợp hộp thiếc, Bánh mềm phủ socola rắc dừa, Kẹo bọc sữa, Bánh quy mặn vừng dừa hạt chia.
“Theo chúng tôi biết, những loại bánh kẹo này không có bán trên thị trường, ít nhất là thị trường Hà Tĩnh. Nếu chúng tôi tham gia mà trúng thầu, cũng khó đáp ứng số lượng chủng loại bánh kẹo đó. Còn nếu làm, cũng không kịp, khi thời gian mở thầu đến thời gian cung cấp mặt hàng rất ngắn, chỉ có 5 đến 10 ngày.” – Một chủ đại lý cung cấp bánh kẹo ở Hà Tĩnh cho biết.
Hồ sơ mời thầu quy định chi tiết chủng loại bánh kẹo có tính đặc thù. |
Được biết, trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, để tham gia gói thầu “mua sắm lễ thắp hương liệt sĩ” có giá trị 4.753.200.000 đồng, một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo ở Hà Tĩnh sẵn sàng giảm giá thầu 500 triệu đồng, cùng với những ưu đãi khác, cũng không thể chen chân đấu thầu, vì vướng các quy định về năng lực, kinh nghiệm và chủng loại bánh kẹo đã quy định trong hồ sơ mời thầu.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, việc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh quy định năng lực kinh nghiệm, chủng loại bánh kẹo như vậy, không chỉ hạn chế các doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu, mà còn vi phạm Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
“Chúng tôi đã cung cấp rất nhiều gói thầu tương tự cho các doanh nghiệp lớn ở địa phương cũng như ngoài tỉnh Hà Tĩnh, với uy tín cao, đảm bảo chất lượng, khối lượng, tiến độ. Nhưng với những yêu cầu đặt ra trong hồ sơ mời thầu đó, chúng tôi không thể tham gia đấu thầu, dẫu sẵn sàng giảm giá 500 triệu đồng, tiền lời lãi chúng tôi ủng hộ lại các gia đình liệt sĩ.” – Giám đốc doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo cho biết.
Theo Giám đốc doanh nghiệp này, sở dĩ có thể giảm giá thầu và những ưu đãi như vậy, là vì doanh nghiệp đóng tại địa phương, tiết giảm được nhiều chi phí nhân công, vận chuyển... Chỉ muốn trúng thầu để tạo công ăn việc làm cho công nhân là con em ở địa phương, ngoài ra còn làm phúc lợi xã hội ở địa phương, đóng thuế cho địa phương.
Để làm rõ những nghi vấn và thông tin liên quan, ngày 30/7/2019, PV báo Bảo vệ pháp luật đã đến Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh đăng ký làm việc bằng văn bản như yêu cầu của ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở. Ngày 06/8, PV nhận được thông tin từ Văn phòng Sở là lãnh đạo Sở sắp xếp làm việc trực tiếp vào 15h chiều ngày 07/8. Tuy nhiên sau đó, Văn phòng Sở thông báo lại là lãnh đạo không bố trí làm việc được và sẽ trả lời bằng văn bản. Đến ngày 8/8, Báo Bảo vệ pháp luật vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Tĩnh như đã thông tin. |
Tác giả: Bùi Tiến
Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật