Điều này khiến công luận Mỹ càng thêm mất tin tưởng vào cơ quan tình báo này vốn đang tứ bề thọ địch, đồng thời có thêm nhiều kêu gọi cần phải hạn chế việc theo dõi nhắm vào người dân Mỹ.
Nhiều thành viên Quốc hội phản ứng gay gắt đối với báo cáo kiểm tra nội bộ bị tiết lộ của NSA, gồm 2.776 vi phạm luật riêng tư hay án lệnh của tòa, hầu hết liên hệ đến việc thu thập dữ kiện thiếu thẩm quyền đối với người dân hoặc nghe lén các mục tiêu tình báo ngoại quốc trên đất Mỹ.
Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Biểu – California), lãnh đạo khối thiểu số Hạ viện, gọi vấn đề mới nhất của NSA là “hết sức phiền toái”. Bà nói: “Quốc hội cần phải giám sát tích cực để bảo đảm rằng, tất cả các trường hợp không theo đúng qui định phải được báo cáo cho ủy ban giám sát kịp thời, đồng thời phải có hành động thích hợp để bảo đảm rằng các vi phạm sẽ không bị lập lại”.
Báo cáo nội bộ là một trong nhiều tài liệu mà cựu nhân viên làm theo hợp đồng với NSA, Edward Snowden đã cung cấp cho báo Washington Post.
Tờ Washington Post cho biết Edward Snowden đã cung cấp cho họ những văn kiện này nhiều tuần trước đây. Người này đang tị nạn tại Nga và Mỹ muốn dẫn độ về nước để xử tội gián điệp. Báo cáo cho thấy các vi phạm có vẻ phần lớn không thể đảo ngược được, kết quả của sơ suất kỹ thuật hay của con người.
Trong số 2.776 vi phạm kê ra hồi tháng 5/2012, 1.904 liên quan đến các trường hợp, theo đó điện thoại di động của người nước ngoài vào đất Mỹ bị nghe lén, vốn đúng ra phải có trát của tòa án.
Trong các trường hợp khác, do các nhầm lẫn về đánh máy hoặc kỹ thuật khiến dẫn đến việc thu thập thông tin của người dân Mỹ mà không được phép trước.
Keith Alexander, Giám đốc cơ quan NSA
Trước những tiết lộ mới nhất của Snowden, hôm 17/8, giám đốc đặc trách tôn trọng nguyên tắc nội bộ cơ quan NSA, John Delong cải chính với báo chí là “những vi phạm trên là do ngoài ý muốn chứ không phát xuất từ ý đồ xấu”.
Ông cho biết thêm là nhân viên NSA biết rõ là mọi hành động của họ đều được thu hình và cơ quan có truyền thống báo cáo mỗi khi có sai lầm.
Mặc dù bị báo chí chỉ trích, nhưng cơ quan an ninh Mỹ, trong bối cảnh tây phương bị khủng bố quốc tế đe dọa, vẫn được hai ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ tuyên bố “không tìm thấy trường hợp nào NSA cố tình vượt qua thẩm quyền của mình để theo dõi với mục đích không phù hợp với nhiệm vụ”.
Cũng trong chiều hướng này, dân biểu Mike Rogers, đứng đầu ủy ban tình báo Hạ viện đánh giá những sai trái mà báo Washington Post đương cử chỉ là “sai sót thuộc yếu tố “con người và kỷ thuật không thể tránh hết được trong mọi cơ quan có kỷ thuật cực kỳ tinh vi, phức tạp như NSA”.
Nh.Thạch
Petrotimes