Kinh tế

Sau thông tin sáp nhập với Vingroup, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đẩy nhanh tốc độ thoái vốn khỏi Masan

Làn sóng thoái vốn khỏi Masan xuất hiện khoảng một tháng nay nhưng lên đỉnh điểm sau khi Masan công bố vụ sáp nhập với Vingroup.

Mã MSN của Tập đoàn Masan tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn bởi thông tin sáp nhập mảng bán lẻ và nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup vào Masan Consumer trong phiên 4/12. Áp lực bán dâng cao ngay khi mở cửa khiến cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ suốt thời gian giao dịch, duy trì mức giảm 4-6%.

Tuy nhiên, một lệnh hơn 345.000 đơn vị được thực hiện tại giá 62.500 đồng vào phiên ATC giúp MSN thu hẹp đà giảm.

Cổ phiếu này chốt phiên với mức giảm 2,6% so với tham chiếu, đồng thời trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.

Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt thoái vốn khỏi Masan. Ảnh minh họa

MSN ghi nhận phiên giao dịch đột biến về thanh khoản với hơn 5,5 triệu đơn vị khớp lệnh thành công. Khối ngoại bán hơn 4,6 triệu đơn vị, trong khi dòng tiền bắt đáy chỉ gom khoảng 670.000 đơn vị. Đây là phiên bán ròng lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay.

Trong phiên giao dịch ngày 3/12, khối ngoại cũng bán gần 1,4 triệu cổ phiếu khiến MSN giảm sàn. Ba phiên giảm mạnh đầu tuần đã "thổi bay" hơn 8.700 tỷ đồng vốn hóa.

Thực tế, dữ liệu giao dịch hàng ngày của MSN cho biết cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh thoái vốn khỏi công ty trong hơn một tháng gần đây. Tuy nhiên, khối lượng thoái vốn như trong 2 phiên vừa qua là mức bán ròng cao nhất từ đầu năm.

Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, động thái bán ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài có thể liên quan tới những thông tin gần đây của MSN. Trong đó, với những thông tin chưa đánh giá lợi ích và tác hại, cổ đông thiểu số là các quỹ đầu tư tài chính thường có xu hướng chủ động bán để giảm rủi ro.

Tác giả: Vũ Đậu (T/h)

Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp Luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP