Cuộc sống số

Sau “bẫy” trả góp, khách hàng được “hậu mãi” bởi… đòi nợ thuê

Bị “đòi nợ thuê” khủng bố

Để rộng đường dư luận, phản ánh mặt trái sự việc và giúp những người tiêu dùng khác cảnh tỉnh với chiêu trò mua trả góp được Thế giới Di động kết hợp cùng với các công ty cho vay tài chính như: Tập đoàn tài chính PPF; Dịch vụ tín dụng tiêu dùng Khối Tín dụng tiêu dùng Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) FE Credit và Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam đang giăng bẫy người tiêu dùng. Seatimes trích đăng câu chuyện của chị Nguyễn Thị H.L (Tp HCM) về quá trình vay trả góp và chính sách hậu mãi với khách hàng không khác đòi nợ thuê này.

Mới đây nhất, chị Nguyễn Thị H.L (TP.HCM) đã gọi điện đến đường dây nóng của Seatimes để phản ánh về chính sách và thái độ của nhân viên thu hồi nợ Công ty Tài chính (CTTC) PPF. Theo chia sẻ của chị H.L, chị thăm quan và hỏi mua một sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ trị giá 6 triệu đồng có sự hỗ trợ vốn (vay trả góp) của Công ty PPF tại một siêu thị ở Tp HCM. Tuy nhiên, do không mang đủ tiền, chị H.L nhận được sự hướng dẫn làm thủ tục mua trả góp của Công ty PPF. Với thủ tục đơn giản và nhanh gọn, chị H.L đã lựa chọn hình thức mua trả góp sản phẩm điều hòa nhiệt độ với tổng giá trị 9,5 triệu đồng (trả đều qua các tháng).

Do trả tiền đúng hạn nên chị H.L được xếp vào dạng khách hàng “uy tín”. Trong suốt 1 tháng sau khi trả xong số tiền mua trả góp đầu tiên, chị H.L liên tục nhận được điện thoại “chào mời” cho vay tiếp của nhân viên công ty PPF với đủ lời hứa hẹn như thủ tục đơn giản, nhanh gọn, lãi suất ưu đãi. Bị “bủa vây” liên tục đã khiến chị H.L xiêu lòng và nghĩ đây là cơ hội tốt để vay trả góp nên đã đề xuất vay 20 triệu đồng mua xe máy. Theo thỏa thuận, mỗi tháng chị H.L sẽ trả số tiền là 2.028.000đ. Có vài lần vì lý do cá nhân, chị H.L chưa kịp đóng ngay thì bị tính lãi 500.000đ/ 3 ngày, nếu chậm hơn thì số lãi còn lên tới vài triệu đồng. Quá quắt hơn là nhân viên PPF liên tục gọi điện cho chị H.L để “siết nợ” bất kể giờ giấc với thái độ của một kẻ “đòi nợ thuê” khiến chị H.L cảm thấy “khủng hoảng” Thậm chí, không chỉ gọi cho chị H.L, nhân viên PPF còn gọi điện cho chồng chị H.L và cả em gái của chị ở Hà Nội.

Một thủ đoạn nữa cũng được chị H.L nhắc tới đó là để có thể “đánh lạc hướng” người vay, khi làm thủ tục ban đầu, bên phía công ty PPF không nói rõ mức lãi suất cụ thể. Sau đó 1 tuần mới gửi hợp đồng đến công ty chị H.L, khi xem hợp đồng chị mới ngã ngửa là lãi suất quá cao và lúc đó chỉ còn biết “chịu trận” trả nợ đúng hạn mà thôi!

Comment của các độc giả về tình trạng lãi cao “cắt cổ” của vay trả góp.

Cùng chung tâm trạng bức xúc với chị H.L, rất nhiều độc giả của Seatimes cũng phản ánh tình trạng vô tình bị ‘sập bẫy” của các công ty tài chính. Một bạn có nick là Diep Duong phản ánh: “mình cũng là nạn nhân của PPF, qua điện thoại chào mời của PPF mình có vay 20.000.000đ, nhưng khi làm hợp đồng thì phải tăng thêm 2 triệu đồng mua Bảo hiểm tài chính là 22.000.000đ. Mình đã đóng 1.796.000đ cho 13 tháng nay, và khi mình muốn thanh lý thì phải đóng cho PPF 18.000.000đ. Thật là kinh khủng. Đây là bài học xương máu mình không bao giờ quên được.”. Như vậy, theo tính toán của nhóm PV, số tiền bạn Hương phải trả cho khoản vay trả góp 20.000.000đ ban đầu sau hơn 1 năm đã lên tới 41.348.000đ.

Sẽ có thêm nhiều nạn nhân

Trên đây là ý kiến của một vài khách hàng sau khi vô tình bị “sập bẫy” vay trả góp tại TGDĐ. Thực tế, số “nạn nhân” của hình thức này có lẽ còn cao hơn rất nhiều. Với lãi suất lên tới 60 – 70%/năm mà khách hàng của TGDĐ phải chịu khi mua một sản phẩm. Đây có thể “sánh ngang” với bất kỳ tín dụng đen nào trên thị trường và nó gấp từ 3 – 5 lần lãi suất vay kinh doanh trung và dài hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 11,5% – 12,8%. Một điều đáng lo ngại hơn, đó là không chỉ bắt tay với các CTTC, ngay cả một ngân hàng cũng tiếp tay cho các hãng bán lẻ để được “tận thu” mức lãi suất vượt quy định.

Như PV Seatimes đã phản ánh, tại TGDĐ, khi khách hàng mua một chiếc điện thoại iPhone 5S 32GB giá 19.490.000 đồng, lựa chọn hình thức hỗ trợ vay trả góp của VPBank, trả trước 20%, trong thời gian 15 tháng, thì tổng số tiền góp và trả trước của khách hàng sẽ là 28.228.000 đồng. Như vậy, khách hàng sẽ phải chịu lãi suất là 58%/năm (khoảng 4.8%/tháng). Còn nếu vẫn chiếc Iphone đã nói ở trên, người mua trả trước 80%, số còn lại vay từ VPBank để trả trong 9 tháng dưới hình thức mua trả góp, thì lãi suất bình quân 1 năm phải nhận là 20%. Như vậy, khi áp dụng hình thức mua trả góp, khách hàng tưởng rằng sẽ được hỗ trợ, nhưng thật sự, lại đang phải trả lãi rất cao. Tùy vào số tiền và thời gian vay của người tiêu dùng mà áp dụng các mức lãi suất khác nhau, từ 20-70%/năm. Số tiền vay càng lớn, thời gian vay càng dài, lãi suất mà khách phải sẽ trả càng tăng.

Và sự việc không chỉ gói gọn ở TGDĐ, theo tìm hiểu của nhóm PV Seatimes, có nhiều siêu thị điện máy khác cũng áp dụng hình thức mua hàng trả góp như: Media Mart, Topcare, Điện máy HC, FPT Shop… Các hãng bán lẻ này đã “bắt tay” cùng với FE Credit của Ngân hàng VPBank, ACS, PPF cùng nhau thực hiện hình thức bán hàng trả góp. Điều đáng nói, rất nhiều người tiêu dùng đang là con nợ của những khoản vay được chào mời “ngon ngọt” nhưng cũng đang phải chịu mức lãi suất cắt cổ. Trước khi chưa có động thái rõ rệt nào từ phía cơ quan chức năng, nếu không cảnh tỉnh sẽ còn có nhiều người tiêu dùng tiếp tục là nạn nhân của những chiêu trò trả góp lãi suất thấp được móc nối giữa các Công ty tài chính với các hãng bán lẻ điện máy hiện nay.

 >> “Sập bẫy” mua hàng trả góp của Thế giới di động

Seatimes sẽ tiếp tục thông tin sự việc trên.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP