Giáo dục

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 nhiều sạn: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có trách nhiệm gì?

Theo khoản 3 điều 32, Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Liên quan đến việc sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bị cho là quá nặng khiến giáo viên quá tải, đặc biệt bộ sách Cánh diều có nhiều "sạn", câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước xã hội, các phụ huynh và học sinh về bộ sách này?

Theo Luật Giáo dục 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Theo khoản 3 điều 32 Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông. Bộ trưởng cũng là người phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định.

Đồng thời, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và hội đồng thẩm định cấp tỉnh.

Tại cuộc họp tại trụ sở Chính phủ vào chiều 12-10 về việc xử lý các ý kiến về SGK Tiếng Việt 1 mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bản thân ông chịu trách nhiệm về SGK và chương trình. Tuy nhiên, Bộ trưởng không phải là người có chuyên môn sâu về SGK, theo quy định thì hội đồng thẩm định sẽ giúp cho Bộ trưởng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ông đã chỉ đạo nghiêm túc theo đúng quy định và đang thực hiện theo đúng quy trình này.

Cũng tại Điều 32 Luật Giáo dục 2019, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập theo từng môn học. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Tuy nhiên, GS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1, đã lên tiếng khẳng định chủ biên và nhóm tác giả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung sách trước những vấn đề đang bị dư luận chỉ ra.

GS Chừ cho hay Hội đồng thẩm định đã thấy được các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo với nhóm tác giả SGK Tiếng Việt 1, Cánh Diều, nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình và điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định.

Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1 cho biết khi thẩm định có ba cấp độ, đó là chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Nguyên tắc là tất cả các những điểm sai, chưa phù hợp thì phải sửa và đã được sửa. Tuy nhiên, với những nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi, và nếu người làm sách vẫn giữ quan điểm thì hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP