Để tìm hiểu về quy trình sản xuất, chúng tôi đã tìm đến Phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) một làng nghề làm mứt truyền thống.
Gà “ thỏa sức” kiếm ăn và phóng chất thải ra mứt
Vật nuôi vô tư đi lại trên mứt nhưng công nhân không đuổi
Tới Xuân Tảo vào những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh các cơ sở chạy đua với thời gian để sản xuất mứt. Ngay đầu làng, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của mứt tết. Khi đi sâu vào các cơ sở mùi thơm được thay bằng mùi chua, hôi của nguyên liệu lâu ngày chưa được mang ra phơi.
Trên đường, các xe chở nguyên liệu len lỏi khắp các ngõ ngách để đến các cơ sở làm mứt. Không khó để bắt gặp cảnh công nhân đẩy xe đi phơi hay thu gom mứt.
Khảo sát một vòng quanh làng, chúng tôi bắt gặp nhiều cở sở phơi mứt dọc các con đường nơi có nhiều xe cộ qua lại. Mứt được phơi bên đường nên bám đầy bụi bẩn là điều dễ thấy. Những thanh mứt bí lúc mang ra phơi có màu trắng tinh nhưng khi thu gom về lại có màu nâu đất cũng là vì thế.
Theo xe chở mứt đi phơi, chúng tôi có mặt tại một bãi đất bỏ trống thuộc một dự án… Trước mắt chúng tôi là khung cảnh phơi mứt của các cơ sở sản xuất trong làng. Hàng chục chiếc bạt được trải dưới đất, công nhân mặc sức dẫm lên mứt, mặc dù giày dép đang bám đầy bùn đất.
Đáng nói hơn, trong bãi phơi này cũng là nơi chăn thả các loại gia súc, gia cầm của người trông coi đất. Sau khi công nhân rải mứt ra phơi là cảnh lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng xúm lại “đi dạo” và kiếm ăn trên mứt. Trong khi đó, các công nhân chỉ chuyên tâm vào công việc chứ không thấy xua đuổi vật nuôi. Dường như cảnh tượng này quá đỗi bình thường đối với họ.
Do không có người trông coi nên các loại gia súc, gia cầm thả rông thỏa sức xả chất thải lên mứt. Chính vì thế, trên các bạt phơi không chỉ có mứt mà đầy rẫy phân gà, phân ngỗng, thậm chí có chỗ còn có cả phân chó và lợn.
Sau khoảng hai, ba tiếng đồng hồ các công nhân lại quay trở lại để tưới nước lên mứt. Lượng mứt bẩn lẫn vào phân của động vật cũng không được loại bỏ. Sau khi dội nước chất thải động vật theo nước lênh láng khắp sân phơi.
Các bạt phơi mứt và các vật dụng dính đầy bùn đất, phân động vật không được giặt sạch nhưng vẫn mang ra sử dụng ngày này qua ngày khác.
Bà Nguyễn Thị H. bán nước ở gần địa điểm phơi mứt cho biết: “Những ngày trời nắng, các cơ sở làm mứt tết trong làng thường mang ra đây phơi. Ở trong làng các khu đất hoang lại là nơi chăn thả vật nuôi của các hộ gia đình nên khó ai nói trước được việc gì”.
Cảnh công nhân đi thu lại mứt sau khi phơi
Các loại côn trùng bâu đầy một thùng chứa mứt
Tận dụng mọi chỗ trống
Đa số các cơ sở đều làm mứt theo cách thủ công từ khâu sơ chế cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Địa điểm phơi, xay, ngâm nguyên liệu có thể ở bất cứ chỗ nào: vỉa hè, ngõ ngách, bãi đất trống, bên mương nước thải… Tất cả những chỗ có thể ngồi làm việc họ đều tận dụng để sản xuất các sản phẩm mứt tết.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại ngõ 126, đối diện với Nhà hát chèo Quân đội là con đường đất, hai bên là rác thải dẫn vào một cở sở làm mứt. Đoạn đường đất đầy rác lại là nơi đặt “xưởng chế biến” của cơ sở.
Tại cơ sở này, nước lênh láng khắp đường, các thùng chứa mứt thì không có nắp đậy, các loại côn trùng “thỏa sức” đến bâu vào mứt.
Xung quanh các thùng chứa mứt có nhiều xác các loại côn trùng chết đen kịt. Vòi nước dùng để rửa mứt được quăng vương vãi dưới nền đất. Không chỉ vậy, công nhân thản nhiên lội lên các thành bể để vớt mứt.
Ra phía đầu làng, chúng tôi gặp ngay một cơ sở làm mứt bên mương nước thải. Phía sau nơi ngâm mứt của cơ sở này là một mương nước thải sinh hoạt bốc mùi hôi thối.
Trong khi cơ sở này chỉ dùng một tấm bạt để che hướng nhìn ra mương nước. Khu ngâm mứt thì lụp xụp và đầy rẫy rác thải.
Mặc dù nằm sát bên con đường có nhiều phương tiện qua lại nhưng khi vớt mứt ra rổ, trong lúc chờ mứt ráo nước không hề có gì che đậy. Các bể ngâm mứt có rất nhiều lá cây rơi vào, bên trên thành bể đầy rẫy phân chuột và gián.
Một cơ sở chế biến mứt ngay trên đường ở ngõ 46
Mứt tết được phơi trên những tấm bạt bẩn thỉu trong một khu đất hoang
Các cơ sở sản xuất mứt trong làng đều tận dụng các hàng rào để phơi các bao chứa mứt. Các thùng đựng mứt bám bẩn nhưng vẫn không được rửa sạch mà cứ thế mang ra sử dụng.
Hầu hết các cơ sở sản xuất mứt truyền thống tại đây khi phát hiện thấy chúng tôi ghi hình thì lập tức đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tuấn-Phó Chủ tịch phường Xuân Tảo cho biết: “Hiện tại trên địa bàn phường Xuân Tảo có khoảng 20 hộ gia đình làm nghề mứt tết. Mặc dù chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra ATTP nhưng do địa điểm phơi sấy mứt của các hộ gia đình không cố định nên việc kiểm tra chưa được sát sao. Thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa công tác kiểm tra nhằm đảm bảo độ an toàn của sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng”.
Không biết đến bao giờ người tiêu dùng mới có thể an tâm vào chất lượng sản phẩm nếu quy trình sản xuất mứt vẫn được thực hiện như hiện nay.
Cảnh nhếch nhác đầy bùn đất ở một sân phơi mứt
Nước chảy lênh láng tại một cơ sở sản xuất mứt.
Thùng chứa mứt không được chùi rửa thường xuyên nên rất bẩn.
Nhiều côn trùng chết dưới một thùng chứa mứt ở một cơ sở sản xuất.
Mứt được vớt ra khỏi bể ngâm nhưng không được che đậy mặc dù nằm sát đường đi.
Các bao đựng mứt được phơi ở những nơi có nhiều vật nuôi.
Các bể ngâm mứt đầy rẫy lá cây trông rất bẩn.
Bên cạnh các đống mứt luôn có gia cầm kiếm ăn.
Nước thải trong quá trình ngâm mứt được xả trực tiếp xuống mương nước.