Đó là lời khuyên của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý tại tọa đàm "Trách nhiệm ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi".
Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra khi ngân hàng giao dịch với khách hàng VIP, luật sư cho rằng, khi thực hiện giao dịch với ngân hàng phải đến ngân hàng. |
Đừng để "chỉ đâu ký đó"
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, trước khi về Việt Nam 9 năm qua, ông đã có thời gian dài làm việc ở nhiều ngân hàng tại Mỹ.
Giống như Việt Nam, khách hàng VIP bên Mỹ cũng đòi hỏi những điều kiện ưu đãi nhưng TS Hiếu chưa gặp khách hàng nào yêu cầu phải đem tiền tới tư gia hoặc đến nhận tiền từ tư gia để nộp vào ngân hàng. Nếu họ vì một lý do nào bất khả kháng không đến được ngân hàng thì mới viết giấy ủy quyền ghi thời gian cụ thể và có công chứng để ủy quyền cho người khác giao dịch thay.
"Khách hàng VIP họ hiểu được luật lệ bên Mỹ. Họ không bắt ngân hàng đáp ứng những đòi hỏi mà họ nghĩ rằng trái luật", ông Hiếu nói.
Trong khi đó, ở Việt Nam, khách hàng VIP thường có suy nghĩ: "Tôi là VIP. Anh phải đến phục vụ tôi"... Nhiều VIP khi rút số tiền lớn vài trăm triệu, tỷ đồng đều có tâm lý không muốn ai nhòm ngó nên yêu cầu nhân viên ngân hàng đến tận nhà phục vụ.
"Tại vì được ưu tiên phục vụ nên khách hàng VIP có sự tin tưởng tuyệt đến đến cán bộ nhân viên phục vụ họ. Thậm chí, họ đưa giấy ủy quyền khống cho lãnh đạo chi nhánh ngân hàng để tiện giao dịch. Từ cái giấy ký khống đó, ông cán bộ ngân hàng toàn quyền sử dụng tài khoản và... thụt két", TS Hiếu cho biết.
Chuyên gia tài chính này cũng thừa nhận ngay chính ông cũng từng bị... nhân viên bảo sao thì ký vậy.
"Khi tới ngân hàng, mấy cô giao dịch viên chỉ đâu là mình ký đó. Ngay cả chính tôi cũng vi phạm lỗi này. Nhiều người ký mà không kiểm tra tuyệt đối các thông tin như tiền gửi, ngày gửi... cho chặt chẽ. Giao dịch viên cứ đánh dấu bảo ký là ký. Cái sơ hở của khách hàng, đặc biệt là khách hàng VIP là có sự tin tưởng, có quan hệ cá nhân với cán bộ nhân viên ngân hàng đã tạo ra sơ hở", TS Hiếu phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có 2 rủi ro lớn về không gian và thời trong việc chăm sóc khách hàng VIP.
Theo đó, khi cán bộ nhân viên đem tiền từ kho quỹ đến tư gia, khoảng cách có thể từ 1-5-10km. Trong không gian đó, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra như cướp bóc, cháy nổ, tai nạn xe hơi... Ở Mỹ, nếu ngân hàng đem tiền đến cho khách hàng tại tư gia hay ngoài địa điểm mà có chuyện gì xảy ra, bảo hiểm cháy nổ tai nạn của ngân hàng không bồi thường.
"Tôi không biết ở Việt Nam, những trường hợp tiền cán bộ nhân viên đem đến cho khách ngoài điểm giao dịch mà bị tông xe, tiền rơi, dân cướp thì bảo hiểm có đền không nhưng ở Mỹ là không. Ngược lại đem tiền từ nhà khách hàng đến nhập kho quỹ mà có chuyện gì xảy ra thì bảo hiểm cũng không bồi thường", TS Hiếu nói.
Rủi ro thứ hai là về mặt thời gian. Thời gian từ ngân hàng đến nhà khách hàng có thể 5 phút hoặc qua đêm nếu khách hàng yêu cầu cán bộ nhân viên đấy phục vụ mình lúc 18h. Nếu nhận tiền lúc 18h thì cán bộ nhân viên nhận tiền không thể nhập vào kho quỹ của ngân hàng vì tất cả sổ sách đóng vào 17-17h30. Họ phải giữ số tiền đó trong ngân hàng. Tuy nhiên, khi chưa nhập vào kho quỹ, chưa hạch toán thì giao dịch đó được xem như chưa được hoàn thiện. Thời gian giữ tiền qua đêm đó sẽ có rất nhiều rủi ro.
Khách hàng nên kiểm tra số dư tài khoản của mình một cách thường xuyên qua hệ thống tin nhắn |
Không có ngoại lệ cho VIP
Theo luật sư Trần Hải Đức, vụ mất 245 tỷ đồng xảy ra tại Eximbank là một bài học "xương máu" về quan hệ ngân hàng - khách hàng VIP.
Theo quy chế của Eximbank phục vụ khách VIP: Được Eximbank xem xét cung cấp dịch vụ thu, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay, dịch vụ thẻ tận nơi theo yêu cầu của khách hàng. Như vậy, với vai trò là khách hàng VIP nên bà Chu Thị Bình thực hiện các giao dịch với Eximbank tại nhà. Theo luật do Ngân hàng Nhà nước quy định thì quy chế khách hàng VIP không tuân thủ những quy định của Ngân hàng Nhà nước đề ra. Vậy lãnh đạo Eximbank đã ban hành quy trình không chặt chẽ dẫn đến cán bộ, nhân viên lợi dụng những kẽ hở để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Trả lời câu hỏi có nên gửi tiền và trả tiền tại nhà không, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho biết, liên quan đến các dịch cộng thêm, ưu đãi khách VIP của Eximbank đã vô tình tạo ra những rủi ro nhất cho khách hàng vì tại Điều 12 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc NHNN về Quy chế tiền gửi tiết kiệm có quy định địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm… không có quy định gửi trả tiền tại nhà của khách hàng.
Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra khi ngân hàng giao dịch với khách hàng VIP, luật sư Hà Hải cho rằng, khi thực hiện giao dịch với ngân hàng phải đến ngân hàng.
"Đừng ở nhà chờ vì nghĩ mình là VIP. Không có quy định nào cho anh là VIP để anh ngồi đó. Không nên ký khống. Ký khống trong bất kỳ trường hợp nào cũng không đúng quy định pháp luật. Không nên để nhân viên làm một số việc thay anh", luật sư Hà Hải khẳng định.
Tác giả: Công Quang
Nguồn tin: Báo Dân trí