Dòng Sự kiện

Ra quy chế “cấm cửa” nhà báo: UBND tỉnh Thanh Hóa có đè luật?

Đó là câu hỏi của nhiều nhà báo khi biết tin UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 1726 có hiệu lực từ ngày 14/6/2014.

Theo nội dung quy chế trên, cơ quan đại diện báo chí, hoặc PV thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi, hoặc chấm dứt hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi vi phạm một trong những nội dung sau: Trưởng cơ quan đại diện, hoặc PV thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; trong một năm có ba nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận; không thực hiện đúng các yêu cầu về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định đối với cơ quan đại diện và PV thường trú (Nội dung quy chế trích theo báo Một Thế Giới).

Để hiểu hơn về tính “đúng luật” của văn bản này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh):

Nhà báo không chỉ bị cản trở tác nghiệp bằng hành động cụ thể kiểu này…

Mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định 1726, qua đó ban hành quy chế riêng với nhà báo tác nghiệp tại địa bàn tỉnh. Luật sư có bình luận gì về quy định này?

Trước hết, việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành một Quyết định thì đây chính là một loại văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề liên quan và có hiệu lực trong phạm vi một tỉnh. Chính vì đó là văn bản quy phạm pháp luật nên nó không được trái với các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn như luật, nghị định, thông tư và các quyết định của cấp cao hơn tỉnh. 

Vấn đề ở đây là có cần thiết phải ban hành một Quyết định như thế không?

Theo quan điểm của tôi thì Luật Báo chí và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật báo chí về cơ bản đã đầy đủ cơ sở pháp lý để quản lý báo chí trong phạm vi cả nước. UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động báo chí trong phạm vi của tỉnh là điều không cần thiết. Quá trình quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí chỉ cần vận dụng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí là đủ và mang tính thống nhất cả nước.

Quy định 1726 có trái với Luật báo chí và các quy định khác của Nhà nước về quản lý báo chí hay không?

Quyết định 1726 của UBND tỉnh Thanh Hóa quy định về “Quy chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” nhưng nội dung lại chứa đựng một số quy phạm pháp luật mang tính chế tài không đúng với quy định tại Điều 3, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày ngày 12/11/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền “yêu cầu thay đổi, hoặc chấm dứt hoạt động trên địa bàn tỉnh” đối với cơ quan đại diện báo chí, hoặc phóng viên thường trú vì trái với Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 15 Luật Báo Chí về Quyền của nhà báo: “Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ”.

Nếu việc xử lý kỷ luật nhà báo mà không làm hạn chế quyền hoạt động báo chí của họ thì mặc nhiên họ được quyền hoạt động báo chí trên cả nước.

Nhà báo được bảo hộ quyền tác nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp vi phạm pháp luật hình sự mới bị cấm hành nghề. Vậy việc đặt ra quy chế riêng để “cấm cửa nhà báo”, giới hạn quyền tác nghiệp của nhà báo, phải chăng Thanh Hóa đã ra văn bản trên cả luật?

Như đã nói trên, cơ quan báo chí, nhà báo và phóng viên báo chí có quyền hoạt động báo chí trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Báo chí. Trong trường hợp vi phạm pháp luật thì tùy theo mức độ xử lý, nếu vi phạm hành chính thì áp dụng Nghị định 159/2013/NĐ-CP để xử phạt, còn nếu vi phạm pháp luật hình sự sẽ do các cơ quan tố tụng giải quyết theo quy định pháp luật. Không có bất kỳ địa phương nào có quyền ban hành văn bản hạn chế hoạt động báo chí.

Biện pháp chế tài “cấm cửa nhà báo” là một quy định vi phạm pháp luật, vi phạm quyền hoạt động báo chí.

Thưa luật sư, đây có thể coi là hiện tượng “cát cứ” trong quản lý báo chí?

Hệ thống pháp luật nước ta là thống nhất, hiệu lực pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật được xác định theo trình tự, văn bản cấp dưới ban hành không được trái với quy phạm pháp luật mà cấp trên quy định và mọi cá nhân tổ chức phải tuân thủ các quy định pháp luật.

Quyết định 1726 của UBND Tỉnh Thanh Hóa tạo ra sự khác biệt với những địa phương khác. Điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất và đặc biệt là sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm Quyền hoạt động báo chí của nhà báo đã được pháp luật bảo vệ.

Theo luật sư, báo giới cần phải làm gì để hạn chế tình trạng một số ngành, địa phương “gây khó dễ” như hiện nay?

Hội Nhà báo trung ương, Hội nhà báo tỉnh Thanh Hóa cần phải lên tiếng và yêu cầu cơ quan Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật xem xét tính hợp pháp của những quyết định gây cản trở hoạt động báo chí. Nếu có cơ sở, yêu cầu cơ quan ban hành phải hủy bỏ những văn bản trái pháp luật, “gây khó dễ” hoạt động báo chí ở Việt Nam.

Xin cảm ơn luật sư!

Hồng Chuyên (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP