Truyền thống - Phát triển

Quyết tâm xây dựng huyện Lộc Hà phát triển nhanh, bền vững

Thực hiện Chỉ thị số 36 ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch số 30 ngày 17/11/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với quê hương, đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

hatinh24h 01

Trong nhiệm kỳ vừa qua Đảng bộ và nhân dân Lộc Hà đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị ổn định; công tác xây dựng Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội huyện Lộc Hà giai đoạn 2007 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đã triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch chung Thị trấn huyện lỵ; quy hoạch chi tiết khu Trung tâm hành chính huyện; quy hoạch du lịch biển Lộc Hà; quy hoạch hệ thống giao thông; quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; quy hoạch khu chế biến hải sản, hệ thống kho cấp đông; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, liên kết…

Trong những năm qua, huyện đã tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Hiện có 131 công trình, dự án đã và đang triển khai xây dựng, với tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội giai đoạn 2010 – 2015 đạt 4.133 tỷ đồng. Nhất là các công trình, dự án trọng điểm đã đưa vào sử dụng, như: đường Tỉnh lộ 9 từ cầu Hộ Độ ra khu du lịch biển và nối đường 22/12, đường Thạch Bằng – Thạch Kim, các tuyến đường giao thông khác, các tuyến đê sông, đê biển, hạ tầng Khu trung tâm hành chính, hạ tầng du lịch, trụ sở các cơ quan, nạo vét Sông Én, khu tiểu thủ công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim, khu xử lý rác thải, nghĩa trang huyện…; làm mới 255 km đường bê tông, 20 km đường nhựa, 70 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 643 km và 278 km kênh mương nội đồng được bê tông hóa… Góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, hình thành diện mạo mới của một khu Trung tâm hành chính huyện lỵ, một đô thị du lịch, dịch vụ ven biển. Dự án kênh trục Sông Nghèn đang được triển khai xây dựng trên địa bàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho huyện đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14,86%. Cơ cấu kinh tế so với đầu nhiệm kỳ chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,42% xuống còn 28,7%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng từ 38,24% tăng lên 43,10%; thương mại, dịch vụ, du lịch từ 20,34% tăng lên 28,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 26 triệu đồng, tăng gần 2,6 lần so với năm 2010.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kết hợp đồng bộ các giải pháp và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện cả về diện tích, cây trồng, vật nuôi; Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2015 đạt 62,5triệu đồng/ha.

Cùng với các chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi hàng hoá liên kết, sản phẩm chủ lực; phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, gia trại quy mô vừa và nhỏ; xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, các mô hình sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác…

Kinh tế thủy sản được tập trung đầu tư phát triển cả về phương tiện đánh bắt và hạ tầng nuôi trồng, chế biến, thương mại; trong những năm qua đã hỗ trợ đóng mới 55 tàu công suất trên 90CV. Tổng sản lượng đánh bắt hàng năm ước đạt 4.000 tấn, tổng diện tích nuôi trồng 425 ha, sản lượng ước đạt 1.615 tấn, hình thức và sản phẩm nuôi đa dạng hơn, như nuôi công nghiệp, nuôi lồng, nuôi nghêu Bến Tre, hàu, cá mú, cá vược… Ngành chế biến hải sản có 18 cơ sở cấp đông với 50 kho đông lạnh; tiếp tục đầu tư phát triển làng nghề chế biến ruốc, nước mắm có thương hiệu, giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy sản, cảng cá, âu tránh bão, hệ thống giao thông, đưa Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim đi vào hoạt động phục vụ ngành nghề cấp đông và thu mua, chế biến hải sản góp phần quan trọng tạo ra vị thế mới cho ngành kinh tế thủy sản của huyện nhà.

Tạo môi trường thuận lợi để đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển đúng hướng theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân hàng năm tăng 13,87% chiếm tỷ trọng 9,69% trong cơ cấu kinh tế. Hiện có 102 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, tăng 143 cơ sở so với năm 2010. Các hợp tác xã khai thác đất, đá, sản xuất gạch, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, cơ sở cấp đông; các làng nghề truyền thống, như chế biến thủy sản, làm nấm, đan chổi, làm hương, bánh bún…, tiếp tục được đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng quy mô, thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 22,63%, chiếm tỷ trọng 28,22% trong cơ cấu kinh tế. Quy hoạch du lịch biển Lộc Hà đã được tỉnh phê duyệt; các hoạt động dịch vụ, du lịch được quan tâm chỉ đạo, nhất là tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng cho các hộ kinh doanh; tăng cường hoạt động quảng bá, kêu gọi đầu tư, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách, góp phần khẳng định các lợi thế của huyện về lĩnh vực du lịch biển, du lịch tâm linh, sinh thái.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 ước đạt trên 77 tỷ đồng, vượt 28,3% so với mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra, tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ và gấp 10 lần so với năm 2007.

Tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, với nhiều cơ chế chính sách phù hợp, cách làm sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2014, đã có 2/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thạch Châu, Thạch Bằng); và tiếp đó có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí (Ích Hậu, Thạch Kim); 9 xã còn lại đạt từ 7 đến 9 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Văn hóa – xã hội tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao từ huyện đến cơ sở. Đến nay có 70% làng văn hóa; 82% gia đình văn hóa; 30% gia đình thể thao; 70% nhà văn hóa xã và 75% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; có 46 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó có 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia; các câu lạc bộ dân ca, ví – giặm được thành lập, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. Các lĩnh vực truyền thông, phát thanh – truyền hình, bưu chính, viễn thông phát triển rộng khắp.

Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng cao; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư xây dựng. Thực hiện có hiệu quả Đề án quy hoạch hệ thống các trường học trên địa bàn; sáp nhập 6 trường THCS thành 3 trường theo đề án; chuyển đổi 100% trường mầm non bán công sang công lập; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng. Tỷ lệ giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, học sinh đậu tốt nghiệp, đậu vào các trường cao đẳng, đại học, số học sinh tham gia học nghề hàng năm được nâng lên. Phong trào xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh; công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục được phát huy.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường; dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tăng cường, củng cố xây dựng hệ thống y tế cơ sở, 13/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn I, đến cuối năm 2015 có 10/13 xã hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế.

Phát triển kinh tế – văn hóa xã hội là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương được triển khai kịp thời. Việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo nghị quyết TW4 một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở tự nhìn nhận, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém, từ đó tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục. Qua kiểm điểm, đã cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Cùng với đó công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, nghiệp vụ xây dựng Đảng, đoàn thể cho đội ngũ cán bộ được quan tâm thường xuyên. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu qủa; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức chấp hành tổ chức kỷ luật trong cán bộ, đảng viên; ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình học tập và làm theo lời Bác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua 4 năm thực hiện đã có 41 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương, có 168 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015.

Phát huy những thành tựu mà nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được, nhiệm kỳ 2015 – 2020 trong bối cảnh tỉnh nhà đang chuyển mình mạnh mẽ, Đảng bộ và nhân dân Lộc Hà quyết tâm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của huyện ngày càng hoàn thiện, đặc biệt tuyến đường Quốc lộ ven biển, trục ngang Tỉnh lộ 9 kết nối với Trung tâm huyện lỵ và Khu du lịch biển Lộc Hà, hệ thống kênh trục sông Nghèn hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo cơ hội mới cho Lộc Hà phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh những thuận lợi, Lộc Hà cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức: là huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng đang thiếu thốn, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi; chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển. Trên cơ sở đó, huyện tập trung quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kịp thời đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống; kế thừa những định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để tiếp tục lãnh đạo đưa huyện nhà có bước phát triển mới về kinh tế – xã hội; phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân chung của tỉnh.

Quản lý tốt quy hoạch, tận dụng cơ hội, huy động và sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân, các nguồn hỗ trợ để tạo bước đột phá về tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, đến năm 2020 trở thành huyện có nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, huyện về đích nông thôn mới.

Phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; quan tâm sự nghiệp giáo dục – đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, công tác chính sách và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị. Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn, xây dựng các nghị quyết chuyên đề nhằm xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020 đưa huyện Lộc Hà về đích nông thôn mới và phát triển nhanh, bền vững”.

Với ý chí quyết tâm chính trị cao, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ và nhân dân Lộc Hà nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ mới, xây dựng quê hương Lộc Hà ngày càng giàu đẹp văn minh./.

Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP