Câu chuyện từ Vũng ÁngKhu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) dự kiến sẽ sử dụng tới 70.000 lao động vào năm 2020. Bộ Giáo dục và đào tạo, bộ Lao động- thương binh và xã hội phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư khu kinh tế Vũng Áng khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực, kiến nghị các cơ chế đặc thù để thu hút người lao động về đây làm việc. Tới đây một quỹ hỗ trợ đào tạo, trợ cấp học bổng học phí cho sinh viên sẽ được thành lập. Những sinh viên được nhận học bổng sau này sẽ làm việc trong các doanh nghiệp tại đây.Bộ Xây dựng sẽ dự thảo cơ chế xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động tại đây. Một hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở dự kiến sẽ được tổ chức trong quý 1/2011. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng chính sách ưu đãi về nhà ở cho người lao động làm việc tại đây. Điều đó có nghĩa là, những lao động về làm việc tại khu kinh tế Vũng Áng sẽ nhận được rất nhiều hỗ trợ, từ chi phí đào tạo, tìm việc làm, lương bổng và nhà ở.Hầu hết các khu kinh tế chưa nghĩ tới chuyện chuẩn bị nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động như vậy. Về phần mình, các doanh nghiệp ở đây cũng tích cực thông báo mức lương, các chế độ ưu đãi cho người lao động và trích 0,03- 0,05% tổng mức đầu tư dành cho hoạt động đào tạo lao động.Ông Nguyễn Thanh Hòa, thứ trưởng bộ Lao động- thương binh và xã hội thừa nhận, các địa phương cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp nhưng lại bỏ mặc doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động.Cách làm này của tỉnh Hà Tĩnh với sự giúp đỡ của nhiều bộ ngành có thể sẽ tháo gỡ được bài toán thu hút nhân lực về làm việc tại đây.Giải pháp hay mục tiêu?Tới thời điểm này, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có dự thảo quy hoạch nhân lực giai đoạn 2011- 2020 gửi về bộ Kế hoạch và đầu tư. Nhiều bộ ngành cũng đã có các dự thảo như vậy để trên cơ sở đó bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Nhiều hội nghị quy hoạch nhân lực vùng đã được tổ chức: vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Nhìn vào những bản dự thảo này vẫn chưa thực sự thấy được những vấn đề về nguồn nhân lực cho phát triển của các địa phương sẽ được giải quyết như thế nào.Dự thảo quy hoạch nhân lực tỉnh Bình Dương là một ví dụ. Trong thực tế, tỉnh Bình Dương đang chịu sức ép lớn về thiếu hụt nhân lực do phần đông lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp ở đây là lao động di cư từ vùng khác tới. Hai năm trở lại đây, tỉnh Bình Dương khan hiếm không chỉ lao động có trình độ mà cả lao động phổ thông. Với mục tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, Bình Dương sẽ tiếp tục chịu áp lực về nguồn nhân lực cho phát triển, nhưng để giảm áp lực đó như thế nào thì dự thảo quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương này chưa đưa ra được.Không chỉ riêng tỉnh Bình Dương, hầu hết các địa phương đang quy hoạch nhân lực theo cách như vậy. Trên cơ sở hướng dẫn từ bộ Kế hoạch và đầu tư theo một bộ khung có sẵn, các tỉnh hầu như chỉ “bồi da đắp thịt” cho bản quy hoạch đó. Điều trọng yếu nhất là chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương thế nào, định hướng phát triển, thu hút đầu tư ra sao, ngành nào sẽ là ngành trọng điểm…đi theo đó là việc nhân lực được chuẩn bị thế nào, nếu lao động địa phương không đủ thì cơ chế thu hút ra sao…thì lại rất sơ sài.“Chúng ta đang bốc thuốc cho vấn đề nhân lực ở Việt Nam hiện nay, nhưng bốc theo cách này thì khó mà đúng bệnh được”, chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực nhận định. Làm như vậy việc quy hoạch nhân lực hiện nay giống như biện pháp mang nặng tính hành chính, thay vì đưa ra các giải pháp cụ thể để đào tạo và thu hút lao động như câu chuyện từ khu kinh tế Vũng Áng.
Nguồn SGTT