Tấm Lòng Vàng

Quy định tạm thời một số nội dung, mức hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ

UBND tỉnh vừa có Quyết định 3269/QĐ-UBND về việc ban hành tạm thời Quy định một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất trên địa bàn tỉnh năm 2013; áp dụng từ ngày 1/10/2013.

Theo đó, gia đình có người chết được hỗ trợ 8 triệu đồng/người, người bị thương nặng 2,5 triệu đồng/người; nhà ở chính bị sập, đổ, trôi hoàn toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; nhà ở chính bị lũ cuốn trôi, sập đổ từ 80% trở lên được hỗ trợ từ 10 – 12 triệu đồng/hộ; nhà ở chính bị lũ cuốn trôi, sập đổ từ 50% đến dưới 80% trở lên được hỗ trợ từ 6 – 7 triệu đồng/hộ; nhà ở chính bị hư hỏng từ 30% đến dưới 50% được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ; trường hợp nhà ở chính bị hư hỏng và các công trình phụ trợ khác dưới 30% thì đề nghị các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức khác từ huyện đến thôn/xóm, cộng đồng dân cư, dòng họ giúp đỡ cùng gia đình khắc phục.


Đối với các gia đình bị lũ cuốn trôi 100% hoặc hư hỏng toàn bộ lương thực, thiếu đói thì hỗ trợ 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 3 tháng; những hộ bị trôi một phần lương thực, có nguy cơ thiếu đói thì UBND cấp xã xét, đề xuất UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ mức 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian từ 1 – 2 tháng, nguồn hỗ trợ từ nguồn lương thực tỉnh cấp và do các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ trực tiếp cho các hộ khắc phục hậu quả bão, lũ.


UBND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí mua xăng, dầu, thuê tàu, thuyền, xe, vật tư thiết yếu phục vụ chỉ đạo, cứu hộ nhân dân và chi phí cho lực lượng xung kích tham gia ứng cứu nhân dân (theo số lượng thực tế và định mức quy định hiện hành, có chứng từ cụ thể đảm bảo thủ tục thanh toán và Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về khoản kinh phí này); kinh phí mua lương thực, thực phẩm, nước uống ứng cứu nhân dân (theo hóa đơn, chứng từ quy định hiện hành).


Cùng với quy định hỗ trợ dân sinh và phục vụ ứng cứu trong bão, lũ, Quyết định còn đưa ra 3 nội dung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất.


Theo đó, về giống: hỗ trợ 100% giống ngô trà đông muộn – xuân sớm, giống khoai lang và giống rau các loại (một lứa) trên diện tích được khôi phục sản xuất cho các hộ nông dân sản xuất sau mưa, lũ, đảm bảo đúng thời vụ, thực tế và có hiệu quả; hỗ trợ diện tích lúa mùa bị thiệt hại trên 70% là 2 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 – 70% là 1 triệu đồng/ha;


Về gia súc, gia cầm: gia đình có trâu, bò nuôi tại nhà bị lũ cuốn trôi mất hoặc chết được hỗ trợ 4 triệu đồng/con, hươu 2 triệu đồng/con; lợn nái từ 10 con trở lên bị trôi, chết được hỗ trợ tiền giống 750 ngàn đồng/con, lợn thịt có quy mô từ 100 con trở lên bị trôi, chết hỗ trợ 300 ngàn đồng/con nhưng tối đa không quá 35 triệu đồng/hộ; gia cầm (gà, vịt, ngan) của các hộ chăn nuôi tập trung có quy mô từ 300 con trở lên đối với loại đẻ trứng và từ 500 con trở lên đối với nuôi lấy thịt bị lũ cuốn trôi, chết, được hỗ trợ 15 ngàn đồng/con nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/hộ;


Các gia đình nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên, bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha, nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ.


Đối với gia đình có đất sản xuất nông nghiệp (trồng cây hàng năm) bị xói, lở; đá, cát, sỏi vùi lấp có khả năng cải tạo để sản xuất thì UBND các huyện xác định cụ thể diện tích, mức độ xói, lở, vùi lấp của từng hộ, sau đó Sở NN&PTNT kiểm tra, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.


Quyết định 3269/QĐ-UBND


Trình tự và tổ chức thực hiện xem chi tiết tại đây.


H.X

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP