Kinh tế

Quốc lộ 1A: Nam cầu Bến Thủy tránh TP Hà Tĩnh, nỗi ám ảnh an toàn giao thông

Được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu cả về tiến độ lẫn chất lượng lại đã và đang trở thành nỗi ám ảnh an toàn giao thông với người dân sống hai bên đường cũng như những ai lưu thông qua đây.

hatinh24h

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy – tuyến tránh TP Hà Tĩnh với chiều dài 35,1 km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng theo hình thức BOT do Cienco 4 làm chủ đầu tư từng được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu cả về tiến độ lẫn chất lượng lại đã và đang trở thành nỗi ám ảnh an toàn giao thông với người dân sống hai bên đường cũng như những ai lưu thông qua đây.

Bài toán sụt lún chưa lời giải..?

Được khởi công từ ngày 7/9/2012 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2014, tuy nhiên, đến ngày 19/1/2014, Cienco 4 đã khánh thành và thông xe (vượt tiến độ trước 7 tháng, tiết kiệm cho dự án gần 500 tỷ đồng). Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bởi chỉ sau ít tháng đưa vào khai thác sử dụng, công trình này đã bộc lộ vô vàn dấu hiệu về chất lượng.

Vết hằn lún bánh xe tạo thành những đốt sống trâu, rãnh lươn chạch

Cụ thể, tháng 5/2014 (4 tháng sau thời điểm thông xe), một vài điểm trên tuyến đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu hằn lún vệt bánh xe cục bộ. Tại thời điểm đó, phía Cienco 4 cho rằng: Hiện tượng hằn lún, trồi sụt mặt đường là khó tránh khỏi trong mùa nắng nóng bất thường và tình trạng xe quá tải với lưu lượng lớn. Để hạn chế tình trạng trên, Cienco 4 đã tổ chức lực lượng điều tiết giao thông, lắp đặt trạm cân nhằm đối phó, kiểm soát xe quá tải, đồng thời tiến hành tưới nước thường xuyên để giảm nhiệt độ, bảo dưỡng mặt đường.

Vết lún nứt chân chim 

Từ đó đến nay, đã 2 năm trôi qua, hiện tượng xe quá tải gần như đã giảm hẳn nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư Cienco 4 cũng đã nhiều lần tiến hành bảo trì tuyến đường nhưng “lún vẫn hoàn lún”, “sụt vẫn hoàn sụt”, thậm chí chất lượng và thẩm mỹ của tuyến đường ngày càng có xu hướng xấu đi, bài toán sụt lún của tuyến đường từng được xem là kiểu mẫu này vẫn chưa có lời giải thích đáng?

Và nỗi ám ảnh an toàn giao thông

Đi dọc tuyến đường có mức đầu tư nghìn tỷ người ta không khỏi ngán ngẩm, xót xa trước những vết cào ngang dọc trên mặt đường, những hằn sống trâu dằng dặc hàng cây số, phổ biến từ 1 – 3cm, thậm chí nhiều nơi độ sâu vết hằn lên tới 5 – 7cm. Bên cạnh đó, mặt đường bị vá víu thành từng mảng chênh nhau, nhiều đoạn xẩy ra hiện tượng bong tróc với mật độ dày đặc, hình thành nên những ổ voi, ổ gà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này., hầu như trên toàn tuyến đều sụt lún, buộc công ty phải dùng máy cào gạt những chổ hằn , lún  tạo thành những con lươn khá cao…

 Mặt đường bị bong tróc

Bác Trần Thanh Hùng (xóm 1, Vượng Lộc, Can Lộc) cho biết: Nhà tôi ở sát đường, từ khi bắt đầu làm tuyến đường này nhà thầu cũng đã cào lên, lu lại mấy lần nhưng không hiểu sao sụt lún vẫn không giảm đi bao nhiêu. Ban đêm, xe tải nặng đi qua gặp ổ gà lắc mạnh khiến nhà tôi cũng rung theo, tôi sợ nếu tình trạng này kéo dài không sớm thì muộn nhà tôi cũng nứt nẻ mất thôi”.

Đoạn đường từng được mệnh danh là “kiểu mẫu” cả về tiến độ và chất lượng

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy (xóm Ba Giang, Thạch Việt, Thạch Hà) lại bức xúc vì: Chỗ bà ở là khu dân cư đông đúc nhưng nhà thầu lại không thiết kế rãnh thoát nước dọc; mùa mưa nước từ đường chảy vào nhà gây ngập úng, học sinh đi học bị ô tô, xe máy chạy qua hất nước ướt bẩn hết cả quần áo, đường lại quá nhiều lươn chạch, sống trâu nên trơn trượt rất khó đi. Nhà thầu lâu lâu lại tiến hành ngăn đường, dăng dây, gia cố, cào bóc, rải thảm, lu lèn khiến cho các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn, các hộ dân sống hai bên tuyến đường bị ô nhiễm cả khói bụi lẫn tiếng ồn.

Ngày 12/6/2015 Bộ Giao thông Vận tải, CQLXD &CLCTGT  có thông cáo với báo chí  số 1855/CQLXD-DDB1. Thông cáo này thông tin về việc khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa trên một số tuyến đường bộ, nâng thời hạn bảo hành từ 2 năm lên 4 năm,trong thời gian bảo hành; Công trình hư hỏng,các nhà Thầu chịu trách nhiện sữa chữa , khác phục đảm bảo,chất lượng an toàn, kinh phí sữ chữa do nhà thầu chi trả..

Vẫn biết dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A được thực hiện dưới hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), hay hiểu nôm na là đường hỏng ở đâu thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm sửa chỗ ấy. Tuy nhiên, việc một tuyến đường dù chỉ mới đưa vào khai thác sử dụng nhưng đã xuất hiện quá nhiều dấu hiệu đáng bàn về chất lượng, trải qua không ít lần “khám chữa” mà “bệnh tình” vẫn không hề thuyên giảm thực sự đang trở thành nỗi ám ảnh an toàn giao thông với những người dân xung quanh và bất kỳ ai lưu thông trên tuyến đường này.

Mai Nhi/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP