“Thánh cô” tự xưng trị được bách bệnh, từ ung thư tới vô sinh và những căn bệnh kinh điển nhất mà khoa học bó tay.
Không có chuyên môn gì, trình độ học vấn chỉ 5/10 thời chế độ học cũ, nhưng kể từ ngày tự xưng “Phật nhập”, cao nhân yểm trợ kỳ quái gì đó, bà Loan đã ngang nhiên “chữa bệnh” cho nhiều người bằng phương thuốc có một không hai theo công thức: Lá chè xanh (một loại cây được trồng làm bờ rào) và nước giếng pha trộn với nhau sau khi được bà “làm phép”, rồi cho bệnh nhân uống. Bà Loan còn mạnh miệng khẳng định tất cả các con bệnh, dù là bệnh gì nếu đưa đến đây đều chữa được chữa khỏi, kể cả người bị câm, điếc, vô sinh, ung thư…
Bản thân chúng tôi khi được xướng tên vào “phủ”, bước vào ngôi nhà ván một bên vách của nhà bà Loan đã rất ái ngại khi chứng kiến những cảnh tượng mất vệ sinh đến ghê người. Tại đây, một số người đã ngồi chờ sẵn trong ngôi nhà ván cũ nát, lụp xụp, trên chiếc võng đang đu đưa có một bé trai chừng 7 tuổi bị teo cơ đang chờ bà “ra tay”. Bà Loan bước ra từ trong tấm rèm đi thẳng ra giếng, xách một thùng nước đưa vào bên hiên nhà, nơi kê chiếc bàn nhựa để hương hoa, trái cây cúng bái rồi lẩm bẩm gì đó chừng 2 phút. Lúc này, bé trai được mẹ bồng ra ngoài để bà Loan chữa bệnh. Bà Loan múc một ca nước, đốt nén hương huơ trên mặt ca nước “làm phép” rồi lấy nước bóp chân, tay cho đứa bé. Nắn bóp một lúc, bà Loan tiếp tục lấy thêm một ly nước lá (theo chúng tôi tìm hiểu thì đó là nước giếng, lá cây, vài cánh hoa đã héo) đưa đến bên đứa bé rồi tiếp tục đốt hương “làm phép” lần hai. Lầm rầm điều gì đó trong miệng, bà Loan gạt tàn hương vào ly nước rồi cho đưa bé uống.
Thấy chúng tôi chăm chú quan sát có vẻ “khả nghi”, chồng và con trai của bà Loan đến quát: “Chúng mày ở đâu tới đây? Tới chữa bệnh hay làm gì?”, rồi giật lấy điện thoại của chúng tôi đòi kiểm tra. Bà Loan thấy vậy liền nói: “Chúng mày coi chừng ta đập chết, không qua mắt được ta đâu. Ta chữa bệnh cho dân, làm phúc cho dân mà tụi bây dám tới đây chụp hình bêu xấu thì coi chừng với ta”. Bị la mắng từ vụ lấy điện thoại ra chụp hình, biết “Thánh cô” sẽ không chịu chữa bệnh, chúng tôi đành cố gắng nán lại tìm tư liệu cho bài viết. Chị Hoàng Thị Nhung, một phụ nữ đến từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) tìm đến chữa bệnh vô sinh, kể: Tôi nghe mấy người đồn nên lặn lội đến đây, nhưng cách chữa bệnh của bà Loan là rất phi lý. Sau khi sờ, nắn ngực, kiểm tra chỗ kín xong thì bà cho tôi uống nước giếng với lá chè pha tàn hương. Chẳng lẽ, thuốc chữa vô sinh cũng dùng để chữa bệnh teo cơ?”. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả con bệnh đến đây đều được bà Loan cho uống chung một thứ thuốc như vậy.
Cách đây 3 năm, điểm chữa bệnh của “Thánh cô” đã từng bị chính quyền địa phương cấm hoạt động dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, chỉ được thời gian thì đầu năm 2013, “Thánh” bắt đầu trở lại hoạt động với quy mô lớn hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tình – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch khẳng định: “Chuyện bà Loan chữa bệnh là phản khoa học và không hề có tác dụng khỏi bệnh như lời đồn đại”. Ông Hoàng Văn Minh – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Trạch cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đã gửi đơn trình bày sự việc với các cơ quan chức năng của huyện để có phương án giải quyết”.
Và, trong khi chờ đợi chính quyền địa phương rốt ráo truy quét “Thánh Loan” ra khỏi phủ là cái lều trông chẳng khác gì chuồng lợn, thì hàng ngày, theo phép tính đơn thuần của chúng tôi, vẫn có hàng chục con bệnh lũ lượt kéo đến cầu cạnh, để được “Thánh” cho uống nước lã và “sờ, bóp”, mong hết bệnh.
Người nhà “Thánh” chỉ ưu tiên ai có phong bì
Mặc dù luôn miệng tuyên bố chỉ chữa bệnh cho dân làm phúc, không lấy tiền, nhưng ở nhà bà Loan lại dán những mảnh giấy ghi danh sách, tên tuổi của nhiều người đóng góp tiền. Bản danh sách “người cảm ơn” dài dằng dặc ấy, hàng tuần đều được gói lại đem đốt. Khi nhìn thấy tên tuổi, số tiền người đóng góp, chúng tôi cũng phải giật mình. Ở nơi vùng quê heo hút, cái nghèo đói còn bủa vây thì chỉ tính riêng thu nhập trong một tuần của “Thánh” có khi bằng cả một mùa vụ thu hoạch của người dân quanh vùng.
Sự làm ăn khấm khá của “Thánh” khiến những người hàng xóm cũng ngạc nhiên bởi mấy năm trước, nhà bà Loan thuộc diện hộ nghèo. Nay, nhờ “Thánh nhập”, cả gia đình đã bỏ ruộng, không còn vất vả bầm dập với cuộc sống. Hàng ngày, từ chồng, con bà Loan đều luân phiên nhau làm nhiệm vụ giúp việc như giữ xe, xướng tên bệnh nhân để hỗ trợ “Thánh” chữa bệnh và kiêm luôn nhiệm vụ… điểm phong bì. Ai tới sau nhưng có phong bì thì sẽ được “chữa bệnh” trước. “Luật nhà Thánh” ở đây nó thế, vấn đề “đầu tiên” phải là “tiền đâu” thì bệnh mới nhanh khỏi được”, chị K., hàng xóm chẳng chút ngại ngần giải thích với chúng tôi.
Theo Hoàng Phúc
Gia đình
Dân Trí