Pháp luật

Quá khứ lỗi lầm của người đàn ông 10 năm chạy xe ôm miễn phí

Suốt 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Thuận đã lặng lẽ chở không biết bao nhiêu chuyến xe ôm miễn phí cho những người khách nghèo... như một cách "trả nợ" cho một thời tuổi trẻ đầy lầm lỗi.

"Quý nhân của những người nghèo" là biệt danh người ta đặt cho anh Nguyễn Văn Thuận (43 tuổi, trú tại xóm Quán, Ngọc Than, Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội).

Suốt 10 năm qua, người đàn ông này đã lặng lẽ chở không biết bao nhiêu chuyến xe ôm miễn phí cho những người khách nghèo, những khách có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng anh Thuận chưa bao giờ coi đó là việc làm to tát, bởi với anh đó chỉ là việc "trả nợ" cho một thời tuổi trẻ đầy lầm lỗi.

Muốn trả nợ cuộc đời

Khi được hỏi cơ duyên từ đâu dẫn anh Thuận tới quyết định sẽ chở miễn phí nếu gặp phải khách nghèo, anh cười đáp: "Cũng tự nhiên thôi, hồi đó tôi vác xe ra bến Mỹ Đình hành nghề xe ôm.

Ở đây tôi chứng kiến cảnh chèo kéo khách, nhiều người nghèo bị hét giá cao đã không có đủ tiền để đi nên lại phải nán lại đợi đi xe bus cho dù có thể họ đang rất vội.

Thấy thế nên tôi quyết định sẽ chở miễn phí cho tất cả những ai mà tôi cảm nhận được là họ thực sự khó khăn". Khi chia sẻ ý nghĩ ấy cho những người thân trong gia đình, anh Thuận không ngờ lại được mọi người ủng hộ rất nhiệt tình.

Có những người khách có thể anh Thuận chỉ gặp và chở miễn phí cho họ một lần trong đời. Nhưng cũng có những người khách đã trở thành thân thiết với anh, anh thậm chí còn thuộc làu làu lịch đi chữa bệnh của họ. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương, 43 tuổi, quê ở Bắc Giang.

"Lần đầu tiên tôi gặp chị Hương là khoảng 2 năm về trước, lúc đó chị ấy lếch thếch đi từ trong bến Mỹ Đình ra ngoài bắt xe ôm. Khi đã thỏa thuận xong giá, tôi chở chị ấy đến Bệnh viện Bạch Mai.

Trên đường đi chị ấy kể, chị ấy sống một mình, nhiều năm nay tuần nào cũng phải xuống Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Chị ấy nói giọng vừa buồn vừa chán nản.

Nghe vậy tôi cho chị ấy số điện thoại và dặn, cứ lúc nào xuống bến xe Mỹ Đình thì gọi tôi, tôi sẽ chở đi miễn phí. Từ đó đến nay cũng mấy năm rồi" - anh Thuận nhớ lại.

Với chiếc xe máy Dream cũ, anh Thuận đã giúp đỡ được rất nhiều người nghèo khó.

Một lần khác, anh Thuận đang chờ khách ở bến thì gặp một cô gái đang muốn bắt xe đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương I ở Thường Tín để thăm người nhà.

Sau khi thống nhất xong giá cả, anh Thuận lấy xe đưa khách đi. Trên đường đi, người phụ nữ ấy đã thú thật rằng mình không phải đến đó để thăm người nhà mà là đang đi điều trị bệnh. Sở dĩ cô ấy phải nói dối vậy vì sợ anh Thuận không dám nhận lời chở một người mắc bệnh thần kinh.

Nghe vậy, anh Thuận thấy rất thương người phụ nữ lần đầu gặp này nên anh quyết định chở miễn phí. Không những thế anh còn tặng luôn cô ấy chiếc áo mưa mới mua của mình để mặc cho khỏi ướt.

Anh Thuận chia sẻ, hồi mới bắt đầu làm công việc thiện nguyện này, anh thường bị những người đồng nghiệp nhìn với ánh mắt rất khó chịu. Bởi họ nghĩ anh phá giá và thậm chí chỉ thỏa thuận "làm màu" để giật khách mà thôi. Nhưng sau khi chứng kiến cái tâm chân thật của anh, họ đã không phản ứng gì mà thậm chí còn rất ủng hộ.

Đêm 30 Tết vừa qua, sau khi vừa trả xong chuyến hàng đêm, định bụng sẽ về nhà tắm gội chuẩn bị đón giao thừa với gia đình thì anh Thuận thấy một nam thanh niên lỡ chuyến xe khách cuối cùng về quê đang loay hoay ở bến.

Tiến lại hỏi, biết người khách là công nhân bị chủ "bùng" tiền không trả nên anh lại tình nguyện đề nghị được chở miễn phí người thanh niên đó về tận nhà. Đưa khách về đến nhà, anh Thuận vội vã quay xe phóng một mạch để kịp trở về nhà đón giao thừa cùng gia đình.

Anh Thuận bảo, mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm trong cách nhìn người nhưng không phải cảm giác của mình lúc nào cũng đúng. Nhiều người, nhìn bên ngoài ăn mặc lịch sự nhưng khi tiếp xúc anh mới biết họ cũng rất hoàn cảnh. Với những khách như thế anh Thuận cũng không bao giờ lấy tiền.

Chiếc xe máy luôn được anh Thuận chăm sóc tỉ mỉ.

Quá khứ lầm lỗi

Trước khi trở thành anh xe ôm có tấm lòng nhân hậu, anh Thuận từng hành nghề buôn bán xe gian (xe trộm cắp). Hậu quả của việc làm phi pháp này đã khiến anh phải trả giá bằng những năm tháng sống trong trại giam.

Anh chia sẻ: "Hồi đó còn thanh niên mà, lười làm lại ham chơi nên phải chọn cái nghề gì nhẹ nhàng nhất mà vẫn có tiền. Thế nên khi bạn bè rủ đi buôn xe gian tôi gật đầu ngay. Làm vài phi vụ trót lọt thấy tiền kiếm dễ quá nên ham. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn thôi là tôi đã bị bắt rồi".

Anh Thuận đã phải trả giá cho hành động buôn gian bán lận của mình bằng 6 năm bóc lịch trong trại giam. Anh bảo, chính quãng thời gian này lại khiến anh ngộ ra được nhiều điều.

"Thực sự khi ấy tôi chỉ ước mình cải tạo thật tốt, khi được hòa nhập với cộng đồng tôi sẽ cố gắng làm nhiều việc tử tế. Coi đó như sự trả nợ cho những việc làm sai trái của mình" - anh Thuận tâm sự.

Sau 4 năm 6 tháng cải tạo, anh Thuận đã được ân xá và trở về. Những tưởng đó sẽ là cơ hội để anh thể hiện khát khao hướng thiện của mình. Nhưng có vẻ như định kiến của xã hội về một kẻ đã từng phạm pháp đã không cho anh cơ hội để thực hiện mong muốn ấy.

Anh Thuận nhớ lại: "Tôi hào hứng trở về nhà bao nhiêu thì vấp phải sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của những người sống xung quanh bấy nhiêu. Tôi dù có cố gắng thế nào nhưng họ vẫn không chịu nhìn nhận.

Đến mức khi tôi có việc phải mượn cái xe đạp để đi nhưng đến hết nhà này sang nhà khác họ đều tìm cách từ chối. Đơn giản vì họ không có lòng tin vào một kẻ đã bóc lịch trong nhà đá".

Anh Thuận coi việc chạy xe miễn phí như một nghĩa cử để trả nợ quãng thời gian lầm lỗi.

Những lúc như thế anh Thuận thấy nản chí vô cùng. Anh muốn chứng tỏ cho mọi người thấy mình đã thay đổi nhưng có vẻ như người ta không cho anh cơ hội để làm điều đó. Nhưng rồi bằng sự kiên nhẫn và chân thành của mình, anh Thuận đã làm được.

Người khích lệ anh Thuận nhiều nhất trong những việc làm thiện nguyện chính là vợ anh, chị Nguyễn Thị Quý. Mặc dù gia đình cũng chẳng dư giả gì nhưng chưa bao giờ chị Quý cằn nhằn, khó chịu khi thấy chồng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng".

Năm 2007, sau quãng thời gian vạ vật với đủ các loại nghề, cuối cùng anh Thuận quyết định xách chiếc xe Dream cũ của gia đình ra đứng ở bến Mỹ Đình, bắt đầu cái nghề làm xe ôm.

Ban đầu, anh Thuận cũng chỉ coi đây là công việc "lấp chỗ trống" trong lúc đi tìm một công việc ổn định khác. Nhưng rồi, làm được một thời gian anh Thuận lại thấy cái nghề này cũng hay. Vừa có thu nhập mà thời gian lại không bị gò bó, nó có vẻ rất hợp với cá tính thích di chuyển của anh.

Gần 10 năm qua, anh Thuận cũng không nhớ nổi mình đã chở miễn phí cho bao nhiêu vị khách. Có những người khi tiếp xúc để lại cho anh sự xót xa, day dứt mãi khôn nguôi nhưng cũng có những vị khách chỉ cần nghĩ đến thôi anh Thuận lại tủm tỉm cười một mình.

Anh hài hước bảo đó là chuyện "sai sót chuyên môn". Lần đó cũng vào dịp giáp Tết, anh Thuận nhận chở một cậu thanh niên về nhà. Trên đường đi, cậu thanh niên này liên tục bảo anh chạy vào những đoạn đường vắng, ít người qua lại.

Linh tính mách bảo anh có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Khi cậu thanh niên này yêu cầu anh Thuận dừng lại để đi vệ sinh, anh đã quát lớn: "Mày ngồi im đấy, mày mà nhúc nhích là tao với mày cùng chết".

Cố gắng chở vị khách có nhiều biểu hiện bất minh này đến chỗ đông người, rồi anh Thuận nhảy xuống đá liên lục vào người cậu ta, khiến cậu ta chỉ biết ôm bụng kêu cứu.

Sau khi biết chắc đối phương không có khả năng chống cự mình, anh Thuận mới tiến sát đến điều tra. Khi ấy anh mới vỡ lẽ, hóa ra cậu thanh niên này là lính nghĩa vụ. Do gia cảnh một mẹ một con nên cu cậu đã tìm cách trốn khỏi đơn vị để về quê thăm mẹ.

Vì đi đường đông sợ bị phát hiện nên cậu thanh niên đó đã liên tục yêu cầu anh Thuận đi vào đường vắng. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc. Về sau, để "chuộc lỗi" cho sự đường đột của mình, anh Thuận đã chở cậu thanh niên về tận quê mà không lấy một đồng tiền công nào.

Không chỉ với những người nghèo khó, bệnh tật, hễ trong xóm ai có việc gấp nhờ anh Thuận đưa đi anh đều sẵn lòng dù là trời nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm. Và tất nhiên anh cũng chẳng bao giờ lấy tiền công của những người hàng xóm.

Không chỉ vậy, đối tượng được anh Thuận miễn phí còn là những học sinh, sinh viên đi học ngoài Hà Nội. Hễ chỉ cần đến nhà nhờ là chú Thuận lại vui vẻ chở các cháu xuống Hà Nội. Anh bảo, các cháu nó học hành chăm chỉ mình phải động viên chúng nó chứ.

Hằng ngày, cứ 3h tờ mờ sáng, người đàn ông với dáng người thấp bé lại dắt chiếc xe máy rời nhà để bắt đầu một ngày mưu sinh và để thực hiện ước mơ nhỏ bé là được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Anh bảo: "Chắc nó cũng là cái nghiệp rồi. Tôi sẽ vẫn chạy xe miễn phí cho những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn cho tới khi nào tôi còn sức".

Tác giả: Phong Anh

Nguồn tin: Cảnh sát toàn cầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP