Học sinh N. được đưa đến bệnh viện ngay sau khi gặp tai nạn - Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP |
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, chị Nguyễn Phương Thảo cho biết ngày 16-10-2024, con chị là H.N. (học sinh lớp 7 Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TP.HCM) bị bạn H.Đ. và một số học sinh khác giành đồ chơi trong khuôn viên trường.
N. bị Đ. vặn tay và ngã gãy tay. Theo giấy chứng nhận thương tích từ Bệnh viện Nhi đồng 2, N. bị gãy 1/3 giữa xương cánh tay trái, được phẫu thuật mổ kết hợp xương.
Ngày 21-10, N. ra viện. Đến ngày 28-10, N. trở lại trường học. Cuối tháng 11, N. sẽ mổ lần hai.
Chị Thảo cho biết đến nay, gia đình chị vẫn không an tâm khi hai bạn Đ. và N. học chung với nhau. Chị đề nghị nhà trường phải chuyển Đ. sang học lớp khác vì theo chị, Đ. có xu hướng bạo lực, từng có lần phá dù (ô) của N. và đôi lần có lời lẽ đe dọa N..
Vì thế, quan điểm của chị Thảo là Đ. cần phải chuyển sang lớp khác để đảm bảo an toàn cho con chị. "Đó là mong muốn lớn nhất của tôi", chị Thảo nói.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, trường không chấp thuận yêu cầu này. Và dù đã 5 lần họp với các cấp lãnh đạo nhà trường, trường vẫn giữ quan điểm không chuyển lớp Đ. và vẫn cho hai học sinh này học cùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 8-11, cô Hoàng Thị Diễm Trang - hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý - cho biết nhà trường xem xét vấn đề trên rất nhiều góc độ, trong đó quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tốt nhất cho hai học sinh.
Cô Trang cho biết sau khi phân tích nhiều lần đoạn video từ camera ghi lại cảnh tai nạn giữa hai học sinh, nhà trường nhìn nhận đây là vụ tai nạn do lỡ tay khi đang vui chơi, không có dấu hiệu đánh nhau hay yếu tố bạo lực học đường.
Cô Trang cho biết thêm trước đó có một lần bạn Đ. làm hư dù (ô) của N., nhưng xem xét kỹ cũng thấy không có yếu tố bạo lực hay bắt nạt học đường. Theo cô, Đ. có thể có một chút vụng về trong việc bộc lộ cảm xúc, chứ không phải em có xu hướng bạo lực hay côn đồ.
Do vậy, theo cô, việc yêu cầu Đ. phải chuyển lớp như gia đình của N. yêu cầu hiện chưa thể thực hiện.
"Trong trường hợp này, chuyển lớp không phải là một hình phạt mà một học sinh phải chịu", cô Trang nói.
Tuy nhiên, theo cô Trang, nhà trường vẫn đang theo dõi hai em và đang có những biện pháp hỗ trợ riêng cho từng em. Ngoài ra, các thầy cô còn tổ chức thêm các buổi tiếp xúc với lớp để lắng nghe các học sinh khác, làm nhẹ đi bầu không khí trong lớp.
Trong tuần sau, nhà trường sẽ mời hai chuyên gia độc lập từ Trường đại học Sư phạm TP.HCM để lắng nghe, đánh giá và tham khảo hướng giải quyết vụ việc. Đây cũng sẽ thêm cơ sở để trường làm việc với các phụ huynh có liên quan trong thời gian tới.
Gia đình hai học sinh chưa thống nhất tiền bồi thường Về phần bồi thường, chị Thảo cho biết ban đầu chị đưa ra yêu cầu phía gia đình em Đ. bồi thường tổng cộng 128,9 triệu đồng, bao gồm 4 khoản. Một là viện phí sau khi đã trừ bảo hiểm, 4,3 triệu đồng. Hai là chi phí ăn uống đi lại trong thời gian nằm viện, 1,5 triệu đồng. Ba là thu nhập bị mất việc vì nghỉ phép, 23,1 triệu đồng. Bốn là bù đắp về tinh thần, 100 triệu đồng. Theo biên bản làm việc giữa lãnh đạo nhà trường và hai gia đình vào ngày 1-11-2024, gia đình phía Đ. đề xuất bồi thường 40 triệu đồng viện phí và các khoản phí khác. Theo chị Thảo, hiện tại chi phí không phải là vấn đề với gia đình chị, tuy nhiên gia đình của Đ. không có thiện chí trong việc thực hiện các nghĩa vụ. Về phía mình, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Lương Duy Anh (ba em Đ.) cho rằng gia đình rất thiện chí trong vụ việc này. Anh cho biết hôm hay tin N. gặp nạn, anh đã liên hệ với gia đình chị Thảo. Ngay sáng hôm sau anh đã đưa Đ. đến bệnh viện để gặp N.. Anh Duy Anh cho biết việc bồi thường các chi phí là điều gia đình mình đương nhiên phải làm. Nhưng đến nay, gia đình anh chưa thực hiện bồi thường vì chưa thống nhất được với gia đình của N.. Về phía Đ., anh Duy Anh thông tin em cũng bị một số ảnh hưởng sau vụ việc. Em cảm thấy có lỗi và hiện đang được tham vấn tâm lý. Em cũng đã sụt 4kg từ sau vụ việc. |
Tác giả: TRỌNG NHÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ