Vùng “rốn lũ” Phương Mỹ thường xuyên bị ngập úng và đang rất cần một cây cầu qua dòng Ngàn Sâu này |
Với phương châm: “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm, Phương Mỹ chủ động triển khai phương án “4 tại chỗ”, trong đó huy động tối đa sức mạnh từ nhân dân. “Chúng tôi xác định, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là vấn đề quan trọng nhất, bởi trong bão lũ, nếu người dân không chủ động ứng phó, mà chỉ trông chờ vào chính quyền là rất khó. Do đó, phương châm “4 tại chỗ” được triển khai ngay từ mỗi gia đình. Nếu trước đây, khái niệm phòng chống bão lụt với người dân còn mơ hồ, thì nay thông qua các đề án phòng chống bão lụt từ các tổ chức nước ngoài, hội chữ thập đỏ… bà con được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, vật dụng căn bản, ứng phó khi thiên tai ập đến bất thường”, ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Lệ (xóm Trung Thượng) vẫn vay mượn xây nhà vượt lũ trị giá hơn 100 triệu đồng. |
Thời điểm này, người dân Phương Mỹ đang tiến hành sửa sang, giằng néo nhà cửa; chuẩn bị những phương tiện, vật dụng cần thiết… để chủ động sống chung với lũ. Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, chị Nguyễn Thị Lệ (xóm Trung Thượng) đang khẩn trương sửa chữa, tu bổ các vật dụng, phương tiện. Gia đình chị đã có ngôi nhà 2 tầng khang trang, được xây dựng từ dự án xây nhà vượt lũ, trị giá hơn 100 triệu đồng. Ý thức phòng chống thiên tai được thể hiện trong mỗi hành động cụ thể của người dân vùng lũ.
“Trước đây, đoàn thanh niên xã tổ chức tập bơi cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Nhưng giờ, các gia đình đều tự giác tập bơi cho con em để tự bảo vệ mình nếu không may xảy ra tai nạn” – ông Dương Kim Lĩnh (xóm Ấp Tiến) cho biết.
Hiện nay, ở Phương Mỹ, mỗi gia đình đã đóng 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ, thậm chí đã có 8 hộ sắm sửa thuyền máy để vận hành hiệu quả hơn. Đến thời điểm này, 100% gia đình đã phơi phong, cất trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, chất đốt, nước sạch… lên nơi an toàn, cao ráo.
Mỗi gia đình ở Phương Mỹ đều trang bị thuyền để đi lại trong mùa lũ. |
Ở Phương Mỹ, lâu nay, phương án ứng phó với lụt bão đã được người dân địa phương nâng lên mức chuyên môn hóa. Trước khi lũ đến, người già, trẻ em và phụ nữ có thai được đưa đi sơ tán; lực lượng ở lại tạo thành một mối liên kết chặt chẽ để chống chọi với lũ. Họ giúp nhau giằng néo nhà cửa, cùng nhau bảo vệ tính mạng và tài sản… Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả sau bão như: vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng; phòng chống dịch bệnh; chăm sóc y tế; xử lí nguồn nước sạch; gia cố lại nhà cửa… đều có sự đồng hành giữa chính quyền và nhân dân nhằm sớm ổn định cuộc sống. Thay vì sơ tán tập trung, việc sơ tán người dân được tiến hành theo hình thức xen dặm nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hậu cần cũng như vệ sinh môi trường, dịch bệnh… Xã có hệ thống loa truyền thông không dây, máy phát điện phục vụ bà con sạc đèn pin, điện thoại… đảm bảo liên lạc, thông tin kịp thời. Hệ thống loa phát thanh, còi hú báo động hoạt động tối đa, giúp nhân dân nâng cao cảnh giác.
Mặc dù có đầy đủ kinh nghiệm cũng như các phương án PCBL có hiệu quả, tuy nhiên, hiện Phương Mỹ vẫn đang gặp phải những khó khăn. “Yếu tố địa hình là trở ngại lớn nhất đối với Phương Mỹ. 4 xóm vùng Tùng Sơn với hơn 2.000 nhân khẩu nằm bên kia sông, tách hẳn trung tâm xã. Tất cả các giao dịch hành chính, y tế, giáo dục, chợ búa, nhà thờ… đều phải thông qua chiếc cầu phao chênh vênh. Mùa mưa, việc đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt là các học sinh. Bão lũ về, nước dâng cao, cầu phao bị cắt, vùng Tùng Sơn như hòn đảo bị cô lập hoàn toàn, đời sống nhân dân đảo lộn… Mùa mưa lũ đang tới gần, nhân dân Phương Mỹ nói chung, Tùng Sơn nói riêng đang mong mỏi một cây cầu để đảm bảo cuộc sống bình yên…” – Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
THU PHƯƠNG