Trước đó, như Dân trí đã thông tin nhiều sai phạm từ giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 5/2017 xảy ra tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) liên quan việc ông Phạm Bá Oai khi đó giữ chức Chủ tịch UBND huyện.
Ông Oai đã ký hàng loạt Quyết định sai phạm về bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo thẩm quyền, vi phạm Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 13/2010TT-BNV và Thông tư số 05/2012 TT-BNV của Bộ Nội vụ.
UBND huyện Hoằng Hóa, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Bá Oai xác nhận, Sở Nội vụ kết luận hoàn toàn đúng, chuyển ngạch phải báo cáo mà không báo cáo là sai. Tuy nhiên, sai không ghê gớm, họ đều là viên chức rồi.
Phó Chủ tịch HĐND giải thích: “Trường hợp thứ nhất là hai cô Phòng Giáo dục được bổ nhiệm Phó phòng thì họ ở Phòng Giáo dục lâu rồi không phải mới lên. Khi bổ nhiệm có văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh ký. Nhưng lại không xin ý kiến chuyển ngạch viên chức sang công chức”.
“Trường hợp ông Lộc, từ Hiệu trưởng trường THCS lên Phó trưởng phòng LĐTB&XH, khi Thường vụ tìm người làm Phó phòng liên quan đến tổ chức, lấy ông này lên cũng có văn bản yêu cầu UBND làm quy trình”.
“Trường hợp thứ 4, anh Hoàng Mạnh Cường ở Trung tâm Văn hóa điều động vào làm Phòng Văn hóa. Lúc đó, Phòng Văn hóa không có người thì điều vào làm việc. Anh em sắp xếp ông này từ viên chức sang công chức chưa có ý kiến của UBND tỉnh là không đúng”.
“Trường hợp ông Hải, từ Trạm Khuyến nông vào Phòng Nông nghiệp làm, đều làm lĩnh vực chung. Ông Hải là công chức rồi”.
Còn trường hợp ông Lê Huy Cường từ Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp lên làm Trưởng Phòng Nông nghiệp thì ông Oai cho rằng: “Khi điều Trưởng phòng Nông nghiệp về làm Bí thư xã Hoằng Khánh thì không có ai làm Trưởng phòng. Ông Cường lại làm được việc nên Thường vụ đồng ý ngay. Có điều lẽ ra công chức cấp xã lên cấp huyện thì phải chuyển nhưng lại không làm điều này”.
Cũng theo ông Oai thì trong đợt tuyển công chức năm 2012, có hai ngành là môi trường và xã hội học, các đối tượng thi đạt yêu cầu nhưng lại không nhận là do không có vị trí.
Ông Oai cũng cho rằng, bộ phận tham mưu là Trưởng phòng Nội vụ đã không tham mưu đúng và đủ. Hơn nữa, khi Thường vụ huyện ủy đã thông qua, đồng ý, thì ông cũng phải ký vì thời điểm đó ông là Chủ tịch nhưng lại chỉ là Phó bí thư thôi.
Tại Công văn số 442/KL-SNV ngày 1/9/2017 của Sở Nội vụ Thanh Hóa nêu rõ "Khuyết điểm trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa và Trưởng phòng Nội vụ, thành viên Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã và công chức liên quan thuộc UBND huyện giai đoạn từ tháng 1/2011 đến 7/2015.
Sở Nội vụ đề nghị thu hồi 6 quyết định tuyển dụng không đúng quy định của UBND huyện Hoằng Hóa đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện nghiêm kết luật Thanh tra và kiểm điểm trách nhiệm các nhân, tập thể có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm ông Phạm Bá Oai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa và Trưởng phòng Nội vụ.
Tuy nhiên, ngày 26/10/2017, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức "Hội đồng xét kỷ luật công chức lãnh đạo thuộc UBND huyện Hoằng Hóa" họp xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Trọng Cần, Trưởng phòng Nội vụ, gồm 5 thành viên, do Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Giang là Chủ tịch Hội đồng.
Kết quả có 5/5 phiếu kín không đề nghị hình thức kỷ luật. Và ông Cần được Hội đồng "miễn" không áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào.
Liên quan đến việc thu hồi quyết định đối với 6 trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai thế nhưng nhiều tháng trôi qua UBND huyện Hoằng Hóa vẫn chưa thể thực hiện được do… đang chờ “hướng dẫn” của Chủ tịch UBND tỉnh.
Cũng từ việc tuyển dụng sai quy định, có 9 trường hợp là công chức tại các phòng ban của huyện (8 hợp đồng không thời hạn, 1 hợp đồng có thời hạn bị chấm dứt hợp đồng chậm nhất vào ngày 31/12/2017.
9 trường hợp trên, sau khi chấm dứt hợp đồng, phải tự đi tìm công việc mới, huyện Hoằng Hóa không có trách nhiệm gì tiếp theo. Nhiều người đã ổn định công việc, cuộc sống, chính thức đứng bên bờ vực thất nghiệp.
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí