Giải trí

Phim Việt xuất ngoại quá khó để kiếm tiền

Công chiếu tại thị trường quốc tế không còn là giấc mơ của điện ảnh Việt. Nhưng để phim có chỗ đứng tại thị trường này, không phải là chuyện dễ.

Ngô Thanh Vân trong phim “Hai Phượng”

Phim hay vẫn phải “luyện chân cho dẻo”

Thời điểm hiện tại, Hai Phượng đang là bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và truyền thông. Phim không chỉ đánh dấu là dự án phim hành động cuối cùng của Ngô Thanh Vân mà còn được công chiếu song song tại cả hai thị trường Việt Nam và Mỹ. Đồng nghĩa, khán giả ở Mỹ sẽ được thưởng thức một bộ phim điện ảnh cùng thời điểm với khán giả Việt Nam. Bộ phim với tên tiếng Anh Furie sẽ được công chiếu tại nhiều tiểu bang như: Orange, Dallas, Houston, Falls Church, San Jose và sau đó sẽ là San Diego, Philadelphia, Portland, New York City, Seattle và các thành phố khác.

Để làm được điều này, Hai Phượng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về điện ảnh quốc tế từ kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh hành động phải đủ đẳng cấp Hollywood.

''Ở Việt Nam, hiếm ai bỏ tiền làm phim để “xuất ngoại”. Họ làm phim nhắm vào thị trường trong nước là chính. Khi nào nền điện ảnh Việt vươn lên một tầm cao hơn, thì mới “xuất ngoại” và đạt doanh thu tại thị trường nước ngoài. Tóm lại, phim Việt chưa có “cửa” cạnh tranh với phim nước ngoài trên lãnh thổ của họ.

Đạo diễn Đỗ Quang Minh''

Đây là lẽ hiển nhiên, bởi thực tế từ trước tới nay, những phim Việt được công chiếu tại thị trường nước ngoài hầu hết là những phim đoạt giải tại các liên hoan phim trong nước hoặc quốc tế và đa số là phim nghệ thuật. Còn dòng phim thương mại, phục vụ nhu cầu và thị hiếu của khán giả trong nước đều khó xuất ngoại, bởi không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các nhà phát hành nước ngoài đặt ra.

Theo đạo diễn Đỗ Quang Minh - nhà sản xuất của những bộ phim như: Mỹ nhân kế, Lửa phật… các bộ phim có thể xuất ngoại được đều phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh... của nước mua phim. Nội dung phim cũng cần có bản sắc Việt Nam, tạo nên một khẩu vị lạ với khán giả bản địa. Điều này từng được đạo diễn - huân tước Lord Puttnam khẳng định trong buổi hội thảo “Cơ hội nào cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới”: “Hãy kể cho khán giả nghe câu chuyện của chính bạn và làm bạn xúc động, muốn chia sẻ. Hãy tự hỏi câu chuyện bạn định kể, xã hội có chấp nhận không? Đừng vì kiểm duyệt mà hủy hoại tài năng, cũng đừng vì cái đích ra thế giới bằng được mà phóng đại hay bóp méo câu chuyện”.

Bản thân diễn viên, đạo diễn Ngô Thanh Vân ngoài việc tích cực tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài, cô còn năng nổ mang phim tới các liên hoan phim, chợ phim quốc tế để giới thiệu và bán phim. Điều đó đã mở ra cô nhiều mối quan hệ cũng như cơ hội quảng bá cho những bộ phim của mình. Đưa phim đến các chợ phim quốc tế cũng là con đường mà nhiều nhà làm phim tư nhân Việt Nam đã và đang làm như: Hồng Ánh, Mai Thu Huyền, Dustin Nguyễn… Nhà sản xuất - diễn viên Mai Thu Huyền nhìn nhận: “Không dễ dàng để mang một bộ phim ra nước ngoài. Nhà sản xuất sẽ phải tự thân vận động, tìm mối quan hệ để phát hành, rồi tự mò mẫm liên hệ truyền thông, báo chí, đài truyền hình. Không phải ai nào cũng đủ quan hệ để làm được những điều ấy”.

Ngô Thanh Vân trong phim “Hai Phượng”

Thăm dò, quảng bá là chính

Theo Ngô Thanh Vân, cô đã luôn cố gắng không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua. “Chúng ta có nhiều điều để có thể giới thiệu ra thế giới như văn hóa cổ truyền, ẩm thực, con người Việt. Đó đều là những chất liệu tuyệt vời để khai thác. Nếu khán giả vẫn còn ủng hộ, tôi sẽ làm tất cả để phim Việt được đến với bạn bè khắp năm châu”, cô nói.

Mong muốn của Ngô Thanh Vân cũng chính là điều mà nhiều nhà sản xuất cũng nhắm tới. Thực tế trước Hai Phượng đã có rất nhiều bộ phim Việt được xuất ngoại như: Âm mưu giày gót nhọn, Mỹ nhân kế, Lửa phật, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Giấc mơ Mỹ… Hầu hết các bộ phim này đi chu du nước ngoài đều chủ yếu là thăm dò thị trường, quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Bởi lẽ, để tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường này thực tế không dễ dàng. Thực tế cho thấy, doanh thu phim ở thị trường nước ngoài vẫn là con số chưa từng được bất cứ nhà sản xuất nào công bố.

Từng đưa hai bộ phim Lạc giới và Giấc mơ Mỹ sang thị trường quốc tế, nhà sản xuất Mai Thu Huyền thừa nhận, cô vẫn phải chọn nơi chính để phát hành là những địa điểm có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống thì sẽ hiệu quả hơn. Bởi, đây là lượng khán giả chính - những người hiểu về văn hóa Việt và “đói” văn hóa Việt vì xa quê quá lâu. Tất nhiên, vẫn sẽ có lượng khán giả nước ngoài tới xem, có thể vì qua lời giới thiệu của bạn bè hoặc xem vì tò mò.

Nhà sản xuất Đỗ Quang Minh nhận định, cơ hội cho phim Việt ở thị trường quốc tế chỉ là cách từng bước giới thiệu làm quen với thị trường lớn, chứ khả năng để đạt doanh thu là vô cùng thấp. Lý do bởi khán giả toàn cầu có quá nhiều cơ hội xem các phim bom tấn của Hollywood. Còn phim Việt với ngân sách trung bình dưới 1 triệu USD, không sánh kịp các phim nước ngoài về độ hoành tráng, kỹ xảo... Đó cũng là lý do các phim Việt chiếu ở nước ngoài đa số để phục vụ khán giả Việt tại hải ngoại. Dẫu vậy, đây cũng chưa phải thị trường “béo bở” cho các nhà sản xuất, vì kiều bào ở các nước không nhiều để nhà sản xuất nhắm tới. Những người lớn tuổi thì không ra rạp xem phim, người trẻ thì nhiễm văn hoá nước sở tại, nên cũng không muốn xem phim Việt nhiều. Phim Việt cũng khó thu hút khán giả nước ngoài và nếu có, chủ yếu họ xem là vì nội dung phim và xem thử phim Việt Nam như thế nào.

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP