Chiều 30/10, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm, xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Phúc (15 năm tù) và cựu luật sư Phạm Đức Tính (12 năm tù) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Tính được cho tại ngoại tham gia phiên tòa.
Bản án sơ thẩm xác định, năm 2015, bà Oanh, ngụ Đồng Nai, quen biết Bùi Xuân Phúc khi đó đang làm cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai. Phúc khoe về người cậu là Phạm Đức Tính, làm nghề luật sư, có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo Bộ Công an nên bà Oanh kết thân.
'Chạy chức' giùm bạn
Trong khoảng thời gian năm 2018, bà Oanh xây dựng một phòng khám đa khoa tại huyện Trảng Bom. Qua các mối quan hệ, bà quen ông Lê khi đó là Trưởng Công an huyện Trảng Bom. Lúc này ông Lê giúp bà Oanh vận động một số đối tác ký hợp đồng khám sức khỏe định kỳ tại phòng khám của bà nhưng không nhận lợi ích vật chất gì. Từ đó, bà Oanh quý mến và nảy sinh ý định tìm cách "lo" cho ông Lê lên chức Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai để sau này sẽ nhờ cậy trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Khi nghe Oanh đặt vấn đề, Phúc đồng ý rồi liên hệ Tính nhờ giúp đỡ. Tính sau đó báo "lo được" với giá 7 tỷ đồng nhưng phải đưa trước 5 tỷ, còn lại sẽ đưa khi ông Lê có quyết định bổ nhiệm.
Phúc báo lại với Oanh số tiền chạy chức cho ông Lê là 14 tỷ đồng và bà này đồng ý, nhờ tài xế riêng đứng ra chuyển tiền vào tài khoản của Phúc. Sau khi nhận được tiền, Phúc đưa cho Tính 550 triệu đồng làm chi phí đi lại trong quá trình "lo" việc.
Theo bản án, Tính nói đã đặt vé ra Hà Nội để gặp "lãnh đạo Bộ Công an" và yêu cầu phải chuyển số tiền còn lại. Phúc tiếp tục chuyển cho Tính 4,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại Phúc đưa cho người thân mở sổ tiết kiệm, mua ôtô và tiêu xài cá nhân.
Cuối năm 2019, bà Oanh hỏi kết quả lo cho ông Lê thế nào, Phúc nói dối "đã trực tiếp cùng Tính ra Hà Nội gặp lãnh đạo Bộ Công an, lo được nên cứ yên tâm". Mấy tháng sau thấy ông Lê chưa được bổ nhiệm, bà Oanh hối thúc thì Tính nói dối "lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị vào Công an tỉnh Đồng Nai làm quy trình bổ nhiệm nên cứ yên tâm chờ".
Sau nhiều lần Phúc và Tính hứa hẹn nhưng không có kết quả, đến tháng 3/2021 ông Lê nghỉ hưu theo quy định. Bà Oanh yêu cầu Phúc trả lại tiền nhưng ông ta nói đã đưa cho Tính "chung chi" cho người khác nên không lấy lại được. Bà Oanh đến cơ quan điều tra trình báo sự việc.
'Chạy chức' cho người tình
Cũng trong thời gian trên, ngoài việc đưa cho Phúc 14 tỷ đồng để chạy chức cho ông Lê thì bà Oanh còn nhờ Phúc lo cho "người tình" đang là cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai được lên chức Đội trưởng.
Sau khi nhận lời, Phúc nói với Tính và được người này ra giá là 20.000 USD (khoảng 500 triệu đồng). Phúc báo lại với bà Oanh số tiền phải "lo" là 40.000 USD và bà này đồng ý. Tuy nhiên, do đang khó khăn nên bà Oanh nhờ Phúc mượn tiền đưa cho Tính trước. Vài ngày sau Phúc đưa cho Tính 400 triệu đồng để "lo" việc nhưng Tính chưa nhận mà nói "để lo việc kia cho xong đã".
Ngoài ra, vào tháng 2/2020, do tin tưởng Phúc và Tính có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Công an nên bà Oanh còn nhờ "lo" cho mình được trúng đấu thầu mua cây tràm tại Trại giam Z30D và được cán bộ công an này đồng ý. Lúc này Phúc nói phải chi 100.000 USD (khoảng hơn 2,5 tỷ đồng) và 5.000 USD cho chi phí đi lại.
Tương tự, Phúc lại đặt vấn đề với Tính nhưng chỉ đưa ra giá 50.000 USD và được người này đồng ý.
Bà Oanh sau đó chuyển cho Phúc gần 2,5 tỷ đồng để "lo" việc trúng thầu mua cây. Nhận được tiền, Phúc chuyển cho Tính gần 1,2 tỷ đồng.
Quá trình tố cáo ra công an bà Oanh khai đã đưa cho Phúc tổng cộng gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả điều tra chỉ xác định Phúc chiếm đoạt của bà Oanh số tiền gần 16,5 tỷ đồng.
Hồi tháng 6, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phúc 15 năm tù và Tính 12 năm. Tòa buộc Phúc phải hoàn trả số tiền còn chiếm đoạt của bà Oanh là hơn 12 tỷ đồng. Các bị cáo sau đó kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Đối với bà Oanh, cơ quan điều tra xác định, hành vi của bà này đủ yếu tố cấu thành tội Đưa hối lộ, song bà này đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác và đang bị bệnh, nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Phúc và Tính thừa nhận hành vi nhưng cho rằng mình phạm tội danh khác chứ không phải lừa đảo. Bởi thực tế, bà Oanh là người chủ động tìm đến đặt vấn đề nhờ lo giúp và các bị cáo cũng có đi gặp nhiều người để nhờ chứ không có ý định lừa đảo.
Phúc giải thích việc nâng số tiền chi phí lên gấp đôi so với báo giá của Tính là để được hưởng tiền công.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm. Tòa tuyên huỷ một phần bản án, tuyên tịch thu số tiền 12 tỷ đồng Phúc chiếm đoạt của bà Oanh để sung công quỹ vì đây là tiền dùng vào mục đích phạm pháp.
* Tên người liên quan đã thay đổi
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: vnexpress.net