Đây là bước tiếp theo của việc ban hành quy định mới, số 102 của Bộ Chính trị áp dụng cho đảng viên vi phạm.
Theo tin từ hội thảo do cơ quan này phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia - Sự Thật tổ chức ngày 15-5, trọng tâm của lần sửa đổi này là cụ thể hóa các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra. Chẳng hạn, bổ sung hành vi bao che, né tránh, không phê bình, giáo dục, đấu tranh, xử lý kịp thời đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến đảng viên đó vi phạm nghiêm trọng. Tổ chức đảng có vi phạm này sẽ bị khiển trách.
Đáng chú ý, liên quan đến công tác bầu cử, từ thực tiễn hoạt động kiểm tra, giám sát, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị bổ sung một số hành vi như: Có chủ trương hoặc hoạt động tổ chức lực lượng, phe nhóm, dòng họ để vận động bầu cử; buông lỏng lãnh đạo dẫn đến cá nhân lợi dụng vận động hoặc chi phối tập thể bầu người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện… Tổ chức đảng có vi phạm này sẽ bị cảnh cáo.
Cũng từ thực tiễn kiểm tra, giám sát, nhóm nghiên cứu đề nghị có thời hiệu kỷ luật với tổ chức đảng, thay vì không quy định như hiện nay. Theo đó, thời hiệu chung là năm hoặc 10 năm tương ứng với vi phạm đến mức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo nhưng không áp dụng thời hiệu với vi phạm mức kỷ luật tương ứng là giải tán tổ chức đảng.
Quang cảnh hội thảo liên quan đến việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm do Ủy ban kiểm tra Trung ương phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia-Sự Thật tổ chức sáng 15-5. Ảnh: N.Nhân |
Thực tế, số trường hợp tổ chức đảng bị kỷ luật trong những năm qua là không nhiều so với số đảng viên bị kỷ luật. Chẳng hạn, trong sáu tháng đầu năm 2017, cả nước có 81 tổ chức đảng và hơn 6.000 đảng viên bị kỷ luật, theo một báo cáo trong Hội nghị Trung ương 7 vừa kết thúc cuối tuần trước. Thế nhưng những trường hợp mà cả tổ chức đảng bị kỷ luật thì thường là rất nghiêm trọng. Cả Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng bị Bộ Chính trị cảnh cáo và người đứng đầu là Nguyễn Xuân Anh mất ghế ủy viên trung ương là ví dụ điển hình.
Theo Quy định 263 hiện hành, tổ chức đảng bị kỷ luật thì tất cả thành viên trong tổ chức đảng đều phải chịu trách nhiệm và ghi vào lý lịch. Đối chiếu Quy định 105 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ thì cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên là không được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm.
“Như vậy thì không hợp lý và cứng quá” - ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, góp ý - “Tập thể Thường vụ 15 người biểu quyết sai nhưng trong đó vẫn có những người không bỏ phiếu, bỏ phiếu trắng, phiếu chống thì không thể chịu trách nhiệm như đa số còn lại”.
Khắc phục hạn chế trên, dự thảo sửa đổi nêu rõ: Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật thì những đảng viên không bị kỷ luật trong tập thể đó vẫn được thực hiện các chế độ, chính sách và công tác tổ chức, cán bộ.
Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Đồng, Vụ phó Vụ Nghiên cứu, cho rằng bóc tách trách nhiệm cá nhân trong các quyết định tập thể là không dễ dàng.
“Thực tiễn công tác giám sát, kiểm tra cho thấy các biên bản họp, biểu quyết chỉ ghi chung chung số lượng, tỉ lệ, kết quả bỏ phiếu chứ không nêu cụ thể ai bỏ phiếu thuận, ai trắng, ai chống. Vậy thì làm sao biết mức độ trách nhiệm của từng cá nhân trong quyết định sai của cả tập thể. Nhưng nếu giữ nguyên quy định hiện hành thì rất khó cho các tổ chức đảng bị kỷ luật. Như Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chẳng hạn, giờ muốn điều động, bổ nhiệm, luân chuyển với một số đồng chí có năng lực tốt mà rất vướng” - ông Đồng chia sẻ.
Được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tích cực lấy ý kiến các tổ chức đảng ở trung ương và địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo văn bản này, kịp trình Bộ Chính trị xem xét thông qua trong quý II-2018. Quy định mới sẽ thay thế cho Quy định 263 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành năm 2014.
Tác giả: Nghĩa Nhân
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM