Ban Quản lý Dự án EU-ESRT đã bàn giao tổng cộng 14 bộ tài liệu kỹ thuật cho đại diện bốn tỉnh để các địa phương có thể áp dụng trong công tác quản lý, phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm. |
Ngày 14/9, tại TP. Vinh (Nghệ An), Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU-ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ) đã bàn giao các kết quả hỗ trợ kỹ thuật của Dự án cho 4 tỉnh Bắc miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Theo đó, Ban Quản lý Dự án EU-ESRT đã bàn giao tổng cộng 14 bộ tài liệu kỹ thuật cho đại diện bốn tỉnh để các địa phương có thể áp dụng trong công tác quản lý, phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm.
Được biết, từ tháng 2/2016, Dự án EU-ESRT đã hỗ trợ phát triển du lịch có trách nhiệm tại khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung bằng 5 nhóm hoạt động: Tăng cường quản lý điểm đến; chiến lược và kế hoạch hành động quản lý điểm đến; ưu tiên, phân cụm và kết nối sản phẩm; bản đồ du lịch, bộ quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm và hỗ trợ nguồn nhân lực.
Việc liên kết thành công sẽ góp phần trong việc thu hút khách du lịch nội địa cùng một số dự án đầu tư du lịch lớn. Cách tiếp cận hợp tác mang tính khu vực sẽ khuyến khích khách du lịch kéo dài thời gian lưu trú và quay trở lại.
Dự án EU-ESRT hỗ trợ để hình thành mô hình tổ chức quản lý điểm đến, tạo điều kiện tăng cường đối thoại công-tư trong khu vực. Bên cạnh đó, Dự án đã huy động các chuyên gia quốc tế và trong nước hỗ trợ các địa phương xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý điểm đến thông qua phương pháp quy trình đánh giá nhanh.
Chiến lược này nhằm các mục tiêu như: Áp dụng một cơ chế quản trị tốt, thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch có tính cạnh tranh và các thị trường bền vững, sử dụng du lịch để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nhận thức và hiểu biết về du lịch bền vững, xây dựng một lực lượng lao động du lịch có kỹ năng cùng những điều kiện làm việc phù hợp, bảo vệ và quảng bá các di sản thiên nhiên và văn hóa một cách thận trọng.
Về vấn đề ưu tiên, phân cụm và kết nối sản phẩm, Dự án EU-ESRT hỗ trợ các tổ công tác tăng cường các sản phẩm du lịch cấp điểm đến bằng việc xây dựng một kế hoạch phân cụm và kết nối các sản phẩm, bao gồm cả xây dựng năng lực của các đối tác liên quan thông qua đối thoại công-tư.
Theo đó, 3 cơ hội chính phát triển sản phẩm chung phải kể đến là tăng cường tuyến du lịch biển, tuyến du lịch mạo hiểm theo đường mòn Hồ Chí Minh và xây dựng tiếp thị các sự kiện tham quan mạo hiểm/các sự kiện du lịch chung.
Ngoài ra, Bản đồ du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm cũng là vấn đề được Dự án quan tâm hỗ trợ.
Một kết quả rất quan trọng khác của Dự án trong thời gian hỗ trợ kỹ thuật cho 4 tỉnh Bắc miền Trung là tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch cho khu vực thông qua các chương trình xây dựng năng lực cho rất nhiều đối tượng, từ các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương tới các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đồng thời, Dự án cũng triển khai các chương trình đánh giá cấp nhãn “Du lịch bền vững Bông sen Xanh” cho các khách sạn, đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn nghề VTOS và Đánh giá các trường đào tạo nghề du lịch tại 4 địa phương.
Ngoài khu vực Bắc miền Trung, Dự án EU-ESRT cũng hỗ trợ một số khu vực bao gồm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 3 tỉnh duyên hải miền Trung và 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án sẽ kết thúc triển khai vào tháng 11/2016.
Hồng Hạnh