Tin Hà Tĩnh

Phạt nguội bằng camera: Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh nói gì?

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động, Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đã phạt nguội trên 60.000 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, xung quanh việc phạt nguội này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhadautu.vn trao đổi với Thượng tá Lưu Văn Tiến - Trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh.

Thượng tá Lưu Văn Tiến - Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh trao đổi với PV nhadautu.vn về xử lý vi phạm "phạt nguội" trên địa bàn Hà Tĩnh.

Ông có thể cho biết đến thời điểm này, Hà Tĩnh có bao nhiêu điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Hiện, trên tuyến quốc lộ 1A từ huyện Nghi Xuân vào Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, Thị xã Kỳ Anh) có 12 điểm được lắp đặt hệ thống camera giám sát các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên các tuyến đường nói trên.

Tất cả các lỗi vi phạm dù nặng hay nhẹ, tất cả đều được camera ghi hình minh bạch rõ ràng, truyền báo về trung tâm xử lý thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh. Khi xuất hiện thông tin trên màn hình, Trung tâm xử lý sẽ căn cứ vào những lỗi vi phạm qua biển số xe, địa chỉ chủ xe kịp thời gửi thông báo, yêu cầu chủ phương tiện phải có mặt nhận lỗi và chấp hành nộp phạt.

Quy trình phát hiện và xử lý phạt được thực hiện thế nào thưa ông?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Về quy trình, chúng tôi có hai hình thức.

Thứ nhất, trong quá trình làm việc, toàn bộ những trường hợp vi phạm sau khi camera phát tín hiệu về trung tâm, trước hết các chiến sĩ làm việc ở đây sẽ kịp thời thông báo cho các tổ tuần tra kiểm soát trên cung đường, yêu cầu phát tín hiệu dừng xe, kiểm tra giấy tờ, lập biên bản xử phạt nóng theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm.

Thứ hai, những trường hợp mà lực lượng cảnh sát giao thông không kịp thời dừng xe thì chúng tôi sẽ viết thông báo báo lỗi vi phạm, truy xuất địa chỉ, yêu cầu chủ phương tiện đến cơ quan công an để giải quyết theo trình tự thủ tục pháp lý, xử phạt.

Đặc biệt khi hệ thống camera được lắp đặt mọi hoạt động ngoài người và phương tiện tham gia giao thông, camera còn đóng góp việc phát hiện nhanh các loại tội phạm có tổ chức tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng… Khi phát hiện những hành vi trên, trung tâm kịp thời cấp báo cho các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn ngừa xử lý.

Vậy đối với những phương tiện không chính chủ, việc xử phạt thế nào?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, vẫn có một số trường hợp do người khác sử dụng biển số giả, biển số trùng, xe đã bán nhưng không sang tên đổi chủ. Với những trường hợp như trên, chúng tôi đã triển khai thêm một số biện pháp khác nhau.

Thứ nhất, là đối với những xe không chính chủ, khi gửi thông báo vi phạm về nhưng đối tượng đó không đến hợp tác với lực lượng công an để giải quyết việc vi phạm, thì toàn bộ những dữ liệu về biển số xe sẽ thông báo với các tổ công tác tuần tra trên cung đường, trong quá trình làm việc mà phát hiện được thì buộc người điều khiển phải dừng xe để xử lý.

Thứ hai, chúng tôi sẽ gửi toàn bộ những dữ liệu đó đến các cơ sở đăng kiểm, thuộc Cục Đăng kiểm và yêu cầu khi chủ nhân đến làm thủ tục đăng kiểm buộc phải đến cơ qua công an nơi vi phạm để xử lý, sau đó mới tiến hành cho làm thủ tục đăng kiểm.

Thứ ba, sẽ đưa toàn bộ dữ liệu đó sang một phần cơ sở dữ liệu khác, để trong quá trình làm việc hệ thống camera sẽ tiếp tục theo dõi trên các cung đường. Khi phát hiện được thì sẽ phối hợp với lưc lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tạm thu dữ phương tiện chờ xử lý, tạm thời lưu hành.

Kết quả phạt nguội từ hệ thống camera ở Hà Tĩnh thưa thượng tá?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Sau gần 2 năm thực hiện, phòng CSGT công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện trên 60 ngàn trường hợp vi phạm qua giám sát của hệ thống camera và đã gửi thông báo đến tận các chủ sở hữu phương tiện vi phạm. Đến nay mới có 20.000/60.000 chủ phương tiện đến nhận lỗi, trực tiếp nộp phạt vào kho bạc nhà nước với số tiền lên tới trên 30 tỷ đồng, số còn lại trên 40 ngàn lượt vi phạm chưa đến nộp phạt, chúng tôi sẽ có biện pháp tích cực nhất để xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với những trường hợp vi phạm không chấp hành. Nếu trường hợp nào cố tình chống đối, không chấp hành buộc phải có hình thức xử lý cứng rắn.

Việc lắp đặt hệ thống camera có giảm thiểu về số vụ tai nạn không thưa ông?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Nói về tác động của hệ thống camera đường bộ đã góp phần tích cực nâng cao ý thức chấp hành tham gia luật giao thông đối với người dân một cách thiết thực. Từ con người đến phương tiện khi tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm túc, bởi nếu không để ý chạy quá tốc độ, vô tình vượt đèn đỏ sẽ bị camera ghi hình, dẫn đến bị phạt nguội. Vì thế từ 2017 đến nay, số vụ TNGT giảm thiểu được cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với khi hệ thống camera chưa được lắp đặt.

Kể từ khi hệ thống camera giám sát tự động đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả rõ rệt, ý thức người tham gia giao thông trên địa bàn được nâng cao, bởi trước đây mỗi khi bị vi phạm đều nhờ người thân gọi điện thoại can thiệp. Nhưng khi hệ thống camera phạt nguội có hiệu lực thì việc can thiệp từ thân quen đều bị khước từ bất kể ai. Đây thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bình đẳng trong công tác xử lý vi phạm TTATGT. Đặc biệt, hệ thống camera giám sát tự động đã hỗ trợ đắc lực cho công tác tuần tra, giám sát của lực lượng CSGT trên địa bàn.

Tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2018, Hà Tĩnh được Ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá là một trong top 10 địa phương trên cả nước thực hiện tốt hệ thống camera giám sát vi phạm, góp phần giảm sâu về số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, đưa lại cuộc sống bình yên cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Trong quá trình thực hiện xử phạt nguội bằng camra, đơn vị có gặp phải khó khăn nào không thưa ông?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Đơn vị cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc bảo vệ an toàn cho cả hệ thống camera trên cả tuyến đường 1A là cả một vấn đề. Cho đến nay, thời gian lắp đặt đã gần 2 năm, do khí hậu thời tiết khu vực miền Trung khắc nghiệt nên toàn bộ hệ thống camera lắp đặt đơn vị phải tự bỏ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng linh kiện bị hư hỏng. Bên cạnh, hàng năm đơn vị phải gửi phát nhanh qua đường bưu điện hàng vạn thông báo đến các địa chỉ vi phạm trên cả nước đến cả việc in ấn giấy tờ tài liệu… trong lúc đó kinh phí đơn vị đều đang phải tự túc nên gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động. Khó khăn là vậy, nhưng toàn bộ anh em trong lực lượng vẫn luôn làm việc hết công suất, giảm thiểu các sai sót về nghiệp vụ để đạt kết quả tốt nhất.

Thời gan tới việc thí điểm xử phạt bằng camera sẽ tiếp tục được thực hiện thế nào thưa ông?

Thượng tá Lưu Văn Tiến: Hà Tĩnh là một trong 13 địa phương trên cả nước được thực hiện thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động đã đưa lại hiệu quả thiết thực. Qua triển khai, đơn vị đã luôn dẫn đầu trong xử lý các trường hợp vi phạm. Để bảo đảm an toàn giao thông, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, theo kế hoạch, trong quý I/2019, Bộ Công an sẽ tiếp tục lắp đặt thêm camera giám sát 15 vị trí trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh.

Việc triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát để đảm bảo xử lý vi phạm trật tự ATGT đúng người, đúng phương tiện vi phạm đã góp phần đưa lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông qua hệ thống camera giám sát như một lời nhắc nhở mọị người, hãy nâng cao ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông mọi nơi, mọi lúc.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP