Cảnh sát Pháp khiêng một mảnh vỡ của máy bay MH370 trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương hồi tháng 7/2015. Ảnh: AP. |
SR-GTA, cơ quan chuyên điều tra các sự cố hàng không dân sự của Pháp, muốn xem xét lại dữ liệu vệ tinh dẫn đến kết luận rằng máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3/2014 đã rơi xuống Ấn Độ Dương, theo Le Parisien.
SR-GTA cho biết họ có quyền mở cuộc điều tra bởi có 4 công dân Pháp trong số 239 người trên chuyến bay mất tích. Ngoài việc xác minh kết nối của vệ tinh, SR-GTA cũng muốn xem xét toàn bộ dữ liệu kỹ thuật ban đầu được cung cấp bởi công ty viễn thông Anh Inmarsat, đơn vị chịu trách nhiệm cho việc liên lạc giữa chiếc Boeing 777 và vệ tinh.
"Tôi có thể xác nhận rằng, thông qua chính quyền Anh, chúng tôi đã tiếp cận với nhóm điều tra của Pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của họ và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào mà họ đưa ra", phát ngôn viên của Inmarsat trả lời ABC News.
Xavier Tytelman, cựu binh kiêm chuyên gia hàng không Pháp, cho rằng một sự cố về điện có thể đã làm giảm áp suất, dẫn tới những người trên máy bay MH370 bất tỉnh vì thiếu oxy.
"Các phi công có thể đã không chú ý hoặc không phát hiện ra dấu hiệu giảm áp điển hình này và cho rằng vấn đề không quan trọng", ông giải thích. Giả thuyết máy bay MH370 bị giảm áp khiến các nạn nhân bất tỉnh cũng từng được đưa ra nhiều lần.
Trong khi đó, nhóm Voice 370, thân nhân của những người mất tích trong chuyến bay, đã kêu gọi chính phủ Malaysia chia sẻ toàn bộ dữ liệu điều tra với các chuyên gia độc lập. Họ cho rằng không có lý do gì để tiếp tục giữ lại các dữ liệu, hơn nữa chúng có thể giúp ích rất nhiều cho việc điều tra.
Chính phủ Malaysia hôm 30/7 công bố báo cáo chính thức về cuộc điều tra vụ máy bay MH370 mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vào tháng 3/2014. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân đã bày tỏ sự thất vọng với báo cáo này vì không có thông tin gì mới. Do không tìm thấy hộp đen máy bay, các nhà phân tích chỉ có thể phỏng đoán về những giây phút cuối cùng trong buồng lái.
Sau khi MH370 mất tích, chính phủ Australia đã dẫn đầu cuộc tìm kiếm đa quốc gia lớn nhất trong lịch sử hàng không, nhưng không thu được kết quả đáng kể và phải kết thúc vào tháng 1/2017. Dưới sức ép của người thân hành khách trên chuyến bay, chính phủ Malaysia phối hợp với công ty thăm dò Ocean Infinity của Mỹ khởi động lại cuộc tìm kiếm, nhưng chiến dịch này cũng dừng lại hồi tháng 5 mà không thu được kết quả nào.
Tác giả: Ánh Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress