Lượng người mất việc, sống “bấu víu” vào đồng tiền trợ cấp thất nghiệp tại Hà Tĩnh đang tăng nhanh theo số doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động… trong cả nước. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giờ đây đang thực sự là “chiếc phao cứu sinh” để họ vượt khó. Nhưng, có hai điểm rất đáng bàn: thứ nhất, số người đăng ký thất nghiệp tại các DN trên địa bàn Hà Tĩnh quá thấp; thứ hai, không một người thất nghiệp nào được hỗ trợ học nghề trong năm 2012!.
Người đăng ký thất nghiệp tăng nhanh…
Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Hà Tĩnh càng về cuối năm càng nhộn nhịp người vào, ra. Có mặt từ sáng sớm một ngày giáp tết, khi ngoài trời mưa lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 10-12 độ C, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng bởi phòng BHTN đã có trên chục người chờ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn trong số họ tuổi đời còn khá trẻ, chỉ độ trên dưới 30, nét mặt đăm chiêu, cử chỉ rụt rè…. Họ đã mường tưởng ra: không việc làm, cuộc mưu sinh đang đối diện với thách thức?.
Chị Nguyến Thị Kiếm, xóm 5, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên, công nhân một Cty Giày da ở Bình Dương là một người như thế, trong số họ. Chị rụt rè: “Em đã làm và đóng BHTN được 42 tháng thì mất việc. Theo hướng dẫn thì em được hượng trợ cấp 6 tháng, mỗi tháng được 1.644.000 đồng. Với số tiền đó, em nghĩ sẽ phải vất vả lắm mới trang trải được cho cuộc sống bản thân trong thời gian chờ kiếm việc mới… Tiền trợ cấp thất nghiệp dù ít nhưng còn hơn nhiều người không được hưởng…”.
Chị Nguyễn Thị T (yêu cầu không nêu tên) – quê Nghi Xuân, công nhân một DN Điện tử ở Hải Dương đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh (GTVL HT) cùng với người bố của mình, đắn đo: “Mới tìm được việc làm hơn 2 năm thì mất việc, vì thế số tiền em được hưởng trợ cấp thấp lắm. Em đã có gia đình và một cháu nhỏ. Rơi vào hoàn cảnh này thật em cũng chưa biết tính sao, lo lắm các anh ạ. Cứ nghĩ đến cảnh không việc làm, không vốn liếng, không đất đai để sản xuất là nao cả ruột… Nhưng dù sao còn có chỗ để bấu víu, không như một số bạn em làm trong tỉnh, DN không đóng BHTN nên khi mất việc là… nhịn luôn”.
Ông Hồ Anh Tú – Trưởng phòng BHTN, Trung tâm GTVL Hà Tĩnh, cho biết: 3 năm qua, số DN giải thể, ngừng hoạt động hoặc cắt giảm lao động cứ tăng lên khiến lượng công nhân mất việc cũng tăng nhanh. Theo đó, lượng người về Trung tâm đăng ký thất nghiệp cũng ngày càng đông hơn. Nếu năm 2010, tổng số người đang ký thất nghiệp tại Trung tâm chỉ 700 người, thì đến năm 2011, con số này đã lên 1.586 người và đến hết năm 2012 là 2.451 người.
… nhưng số đăng ký tại Hà Tĩnh lại ít đến… đáng ngờ!
Điều băn khoăn của chúng tôi khi tìm hiểu về vấn đề này chính là số người đăng ký thất nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh rất thấp so với các tỉnh khác chuyển về. Đây cũng là suy nghĩ của lãnh đạo Trung tâm GTVL Hà Tĩnh. Theo số liệu của Trung tâm này: Số người đăng ký thất nghiệp tại Hà Tĩnh so với số người đăng ký thất nghiệp tại các tỉnh khác chuyển về chỉ chiếm khoảng 12-15%. Thứ tự của các năm 2010, 2011 và 2012, lần lượt là 65/635; 174/1.412 và 376/2075.
Câu hỏi đặt ra ở đây: Có bao nhiêu người lao động trên địa bàn Hà Tĩnh không được hưởng chính sách BHXH nói chung, BHTN nói riêng?. Bởi chỉ tính riêng trong năm 2012, theo số liệu từ cơ quan Thuế và Kế hoạch Đầu tư, Hà Tĩnh có 511 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, thế nhưng chỉ có 376 người đăng ký thất nghiệp. Đó là chưa kể, trong thực tế, hầu hết các DN khác trên địa bàn Hà Tĩnh trong năm 2012 đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…
Năm 2012, Hà Tĩnh có 511 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, thế nhưng chỉ có 376 người đăng ký thất nghiệp là điều khá lạ
Vì sao các DN ở Hà Tĩnh lại có rất ít người thất nghiệp? Hay người lao động mất việc không biết để đăng ký?. Chủ sử dụng lao động ở Hà Tĩnh không thực hiện nghĩa vụ đóng BHTN cho người lao động?… Loạt câu hỏi này xin dành cho những cơ quan, người có trách nhiệm trong tỉnh. Chỉ xót cho không ít người lao động, sau bao năm cống hiến, giờ mất việc là trắng tay, không được hưởng quyền lợi mà đáng ra họ phải được thụ hưởng!.
Theo quy định, người thất nghiệp được nhận mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi mất việc làm; được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề 300.000 đồng/người/tháng (không quá 6 tháng). Thế nhưng, sự lạ là trong năm 2012, không có bất cứ người thất nghiệp nào được hỗ trợ học nghề. Trước đó, năm 2011 cũng chỉ có … 1 người!. Điều này được ông Hồ Anh Tú giải thích: Đơn cử, chỉ trong năm 2012, số người thất nghiệp được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm đến 2.219 người nhưng không một ai trong số đó có nhu cầu. Nguyên nhân, một phần do nhận thức của người lao động. Thêm nữa, phần lớn người lao động thất nghiệp từng làm các nghề như: Giày da, may mặc, điện tử… tại các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển này về Hà Tĩnh nên chưa có nghề phù hợp; phần cũng hy vọng sẽ quay lại DN cũ khi có việc làm…
Trong tình hình suy thoái kinh tế chưa biết đâu là đáy, chắc chắn số người thất nghiệp sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh trong những năm tới. Bởi vậy, ngoài việc làm rõ quyền lợi của người lao động trên địa bàn Hà Tĩnh có bị thiệt thòi, điều cần thiết trong lúc này là chúng ta sớm có kế hoạch, giải pháp cho công tác đào tạo, chuyển đổi nghề phù hợp đối với người thất nghiệp. Có như vậy an sinh, trật tự an toàn xã hội mới được đảm bảo, ổn định.
TRỌNG TUỆ
baohatinh.vn