Cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, Trần Khắc Hiệp (phải) bị tuyên án 4 năm tù về tội Lập quỹ trái phép. Ảnh: Hoàng Lam. |
Sáng 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định đặc xá số 1535/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/8, có hiệu lực từ ngày 1/9.
Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021.
Tại buổi công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá, tha tù cho phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh, đặc xá năm 2021 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.
Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số 283 phạm nhân được đặc xá thuộc các tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã nộp số tiền 24 tỷ đồng để thực hiện các bản án dân sự và bồi hoàn dân sự.
Trong đó, người nộp nhiều nhất là phạm nhân Trần Khắc Hiệp, cựu Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, chấp hành án tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) đã nộp 10 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 30/9/2020, ông Hiệp bị TAND TP. Hà Nội tuyên án 4 năm tù về tội Lập quỹ trái phép trong vụ án xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Về dân sự, ông Trần Khắc Hiệp bị tuyên phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 10 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Ban quản lý Dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án Nghi Sơn) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đây là đơn vị sự nghiệp kinh tế, hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng để giao dịch, được mở tài khoản tại hệ thống Ngân hàng… Trong thời gian 2010-2015, lợi dụng chức vụ trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, được PVN ủy quyền để đàm phán, ký, thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sau khi nhận được tiền thanh toán cho Hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và Hợp đồng nạo vét công trình biển gói BoQ2, ông Trần Khắc Hiệp đã có hành vi làm trái quy định pháp luật. Cụ thể, bị cáo Hiệp bàn bạc, thống nhất với Lê Xuân Hoàng sử dụng tổng số tiền 1.600 tỉ đồng từ nguồn tiền nêu trên và 50 tỉ đồng từ nguồn tiền PVN cấp để ký 81 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) chi nhánh Thanh Hóa tổng số tiền ghi trên các hợp đồng là 2.491 tỉ đồng trong thời gian ngắn để lấy chênh lệch lãi suất số tiền 20 tỉ đồng. Số tiền này để ngoài hệ thống sổ sách kế toán của Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, chi tiêu trái phép, gây thiệt hại cho PVN hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan chức năng xác định ông Hiệp có hành vi ký 66 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 bản thỏa thuận gửi tiền với OceanBank Thanh Hóa tổng số tiền gửi ghi trên hợp đồng là 1.600 tỉ đồng. |
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: Báo GD&TĐ